YẾU TỐ NÀO QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG?
Một xã hội “chuộng” bằng cấp, xem đó là yếu tố đầu tiên để xin việc đã chi phối tư duy của nhiều phụ huynh. Việc thiếu thông tin giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động, không có đội ngũ tư vấn hướng nghiệp chuyên trách, công tác tư vấn hướng nghiệp còn mang tính thời vụ... có phải là những nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh?
Khó chạm mục tiêu
Nhiều năm qua, Bình Phước cũng đã thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên đến nay, chương trình khó chạm được mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong 5 năm (2013-2017), toàn tỉnh có 62.049 học sinh tốt nghiệp THCS; nhưng chỉ có 1.984 em vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và 2.113 học sinh vào cao đẳng nghề, trung cấp. Trong đó, năm học 2013-2014, có 10.669 học sinh tốt nghiệp THCS; có 462 em học tại các trung tâm GDNN-GDTX; chỉ 290 học sinh học cao đẳng nghề, trung cấp. Năm học 2015-2016, có 12.972 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ 441 em vào học tại các trung tâm GDNN-GDTX, học sinh học cao đẳng nghề, trung cấp 469 em. Năm học 2017-2018, có 13.175 học sinh tốt nghiệp THCS, chỉ có 438 em theo học cao đẳng nghề, trung cấp; 299 em học tại các trung tâm GDNN-GDTX. Như vậy, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các trung tâm GDNN-GDTX và cơ sở dạy nghề chỉ chiếm khoảng 5,6% số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm. Kết quả này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị đưa ra.
Học viên Khoa Điện - Điện tử, khóa 2016-2019 Trường cao đẳng nghề Bình Phước (Chơn Thành) trong giờ thực hành
Cô Đinh Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài) cho biết: Năm học 2017-2018, trường có gần 400 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 28 em học nghề tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao su, tỷ lệ chưa tới 10% dù mỗi năm trường tổ chức hướng nghiệp 2 lần đều mời phụ huynh tham gia. Hằng tuần, mỗi tiết sinh hoạt chủ nhiệm đều được nhà trường lồng ghép nội dung hướng nghiệp để các em hiểu rõ về năng lực, sở trường bản thân cũng như xu hướng nhu cầu nghề nghiệp của xã hội. Tuy nhiên, người quyết định vẫn là phụ huynh.
Là trường có nhiều nhóm ngành nghề đào tạo nhưng Cao đẳng nghề Bình Phước (Chơn Thành) vẫn khó thu hút học sinh sau THCS đến học nghề. Thầy Đoàn Thế Nam, Hiệu trưởng trường cho biết: Hằng năm, tỉnh vẫn giao chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS cho các đơn vị liên quan nhưng kết quả thực hiện không đạt. Tỷ lệ tuyển sinh đầu vào từ nguồn học sinh THCS là rất thấp. Để thu hút học sinh sau THCS đến học nghề, hằng năm ngoài phối hợp với các trường THCS tư vấn, hướng nghiệp cho các em, trường còn có các chính sách khuyến học như miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, học viên mới ra nghề... Trường cũng có chỗ ở nội trú cho học viên ở xa; đồng thời kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trên địa bàn tỉnh tạo đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Còn nhiều rào cản
“Không ai muốn con mình làm thợ” - đó là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh khi chúng tôi khảo sát về vấn đề cho con đi học nghề hay tiếp tục bước vào cánh cửa THPT. “Đa số phụ huynh nghĩ các em mới học hết lớp 9, còn quá nhỏ để học nghề. Nhiều phụ huynh cho rằng, học nghề là sự lựa chọn cuối cùng” - cô Đinh Thị Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú cho biết.
“Bây giờ rất nhiều gia đình cho con đi du học. Con mình không có điều kiện về tài chính thì chí ít cũng phải có tấm bằng đại học. Muốn xin được việc trước tiên phải có tấm bằng cao đẳng, đại học, sau đó mới tính đến ngành, nghề gì?” - bà Nguyễn Thị Sen ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài chia sẻ với phóng viên.
Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh sau THCS có kết quả đạt thấp không chỉ do tư duy của phụ huynh và học sinh mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố như: Yêu cầu của các nhà tuyển dụng lao động phải có bằng THPT. Có những nhà tuyển dụng “ngại” tuyển lao động đã có tay nghề sẽ phải trả mức lương cao; trong khi nếu tuyển dụng lao động chưa có tay nghề thì chỉ mất 2 tuần để đào tạo người lao động có thể làm được việc đối với các công ty có ngành nghề may mặc, giày da...
Thầy Lý Thanh Tâm, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết: Công tác đào tạo nghề tại địa phương chưa có kế hoạch phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội; việc đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; đội ngũ giáo viên chuyên trách về công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông chưa có, nếu có chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa sâu sát trong tư vấn hướng nghiệp dẫn đến khó khăn trong phân luồng học sinh sau THCS. Bên cạnh đó, vẫn còn nặng tâm lý “trọng thầy, khinh thợ”, xem trọng bằng cấp, tư duy học đại học là con đường duy nhất. Trong khi đó, hệ thống trường nghề trên địa bàn tỉnh vừa thiếu lại vừa yếu. Đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của công việc cũng như yêu cầu của xã hội; chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia đào tạo nghề. Hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích học sinh tham gia đào tạo nghề sau tốt nghiệp THCS còn thiếu. Đối với học sinh, phần lớn các em chọn nghề vẫn còn theo phong trào của xã hội, theo ý kiến của người thân mà chưa đánh giá đúng năng lực bản thân. Học sinh và phụ huynh chưa tiếp cận được các thông tin về nhu cầu việc làm của thị trường lao động để chọn lựa ngành nghề phù hợp. Đó là các nguyên nhân khiến kết quả phân luồng học sinh sau THCS đạt thấp. Điều này gây áp lực rất lớn cho các trường đại học, cao đẳng và ngược lại, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề tuyển sinh gặp khó khăn.
“Người quản trò... và những xung đột”
Nhìn vào kết quả phân luồng học sinh sau THCS không thể không nhắc đến vai trò của ngành giáo dục - người quản trò, là nhân tố quyết định sự thành công của chương trình này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục và các bộ, ngành liên quan có những chương trình, chỉ thị “xung đột” nhau. Cụ thể, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, 70% học sinh vào THPT. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) diễn ra chiều 9-1 do Bộ GD-ĐT tổ chức, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CTGDPTM cho biết: Theo CTGDPTM thì quá trình 12 năm học được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm cấp tiểu học, cấp THCS, ở giai đoạn này tất cả học sinh đều học nội dung giáo dục về cơ bản giống nhau; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, tương ứng với cấp THPT, học sinh được phân luồng và lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Một lớp học công nghệ thông tin tại Trường cao đẳng nghề Bình Phước (Chơn Thành)
Nếu so sánh về mặt thời gian, thì chương trình hướng nghiệp ở Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị kết thúc vào năm 2020, còn lộ trình áp dụng CTGDPTM bắt đầu từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với các lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7, 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 đối với các lớp 5, 9 và 12. Như vậy, chương trình này chưa khép lại thì chương trình giáo dục mới “ra đời” và áp dụng chồng chéo lên nhau về mặt thời gian. Ở phần nội dung, chương trình hướng nghiệp của Chỉ thị số 10-CT/TW tập trung vào đối tượng là học sinh THCS, còn CTGDPTM lại áp dụng cho học sinh THPT. Một số nước trên thế giới bắt đầu việc hướng nghiệp từ rất sớm. Họ căn cứ sở thích, đam mê của học sinh chứ không mang tính chất loại trừ theo điểm số học tập, khiến các em được hướng nghiệp mang mặc cảm, tự ti. Còn việc hướng nghiệp, học nghề của Bộ GD-ĐT đưa ra áp dụng cho học sinh THCS với mục đích khuyến khích các em chọn học nghề sẽ được cộng điểm ưu tiên. Vô tình hay hữu ý học sinh chọn học nghề ở THCS như một “cứu cánh” để tăng xác suất đậu tốt nghiệp. Nói cách khác, các em chọn “điểm ưu tiên” chứ không chọn học nghề.
Chưa kể đến việc ngành giáo dục liên tục thay đổi sách giáo khoa, chương trình học trong thời gian ngắn khiến học sinh, phụ huynh, giáo viên chỉ lo “chạy” cho kịp, thích ứng với “thời thế”, không còn tâm trí để định hướng nghề nghiệp cho con, em mình. Tính trong 36 năm (1981-2017), ngành giáo dục đã có 3 lần thay sách, bình quân mỗi chu kỳ 12 năm thay sách một lần, tương đương với 12 năm học, có nghĩa mỗi học sinh trải qua nhiều lần thay sách giáo khoa. Vấn đề đáng lưu tâm là mỗi lần thay sách giáo khoa, ngân sách nhà nước phải đầu tư từ 1 đến hơn 2 triệu USD. Đáng nói là chi phí mà người dân bỏ ra để “thay sách” cho con theo chương trình mới và các chi phí tập huấn cho giáo viên... không thể tính xuể.
Sự “xung đột” giữa các chỉ thị, chương trình giáo dục trong lĩnh vực phân luồng học sinh sau THCS, ngành giáo dục như rơi vào kiểu “tay phải đánh tay trái”, khiến kết quả không đạt như mục tiêu đề ra. Nhiều chương trình giáo dục mới ra đời chồng chéo lên các chương trình, mục tiêu trước đó, giống như chiếc áo rách được “bổ sung thêm nhiều mảnh vá”, nhưng cũng không làm cho kết quả khả quan hơn vì vấn đề không được giải quyết tận gốc rễ.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065