Hiện nay, trên mạng xã hội, ngoài các đối tượng đã ra mặt chống đối, trực tiếp đưa ra luận điệu xuyên tạc, phản động, còn có các thành phần khác (tạm gọi là “thành phần trung gian”) tham gia với tâm lý tò mò, tìm hiểu hoặc mới tham gia, còn bỡ ngỡ với các thông tin trên mạng, chưa vững chắc với chính kiến của mình, dễ ngả nghiêng theo các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái. Do đó, nếu thông tin phản bác không có tính thuyết phục, không có tính chiến đấu cao thì rất dễ thất bại, thậm chí gây ác cảm, phản cảm với các “thành phần trung gian”, tạo hiệu ứng ngược, khiến họ từ chỗ còn chần chừ, do dự, chưa tin hẳn vào các luận điệu xuyên tạc, phản động mà dẫn tới hoặc là ngả hẳn sang ủng hộ, tin theo bọn phản động, hoặc không còn tin tưởng vào các thông tin chính thống, đấu tranh phản bác do chúng ta đưa ra. Đây là điều tối kỵ trong công tác tư tưởng - lý luận, đặc biệt trong chống “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội. Bởi vì, trong cuộc đấu tranh này, phương pháp của chúng ta là phải phân hóa kẻ thù; thực hiện phương châm “thêm bạn bớt thù”; phải làm cho những thông tin đúng, chính thống, chính xác lan tỏa sâu rộng tới mọi cư dân mạng, nếu không giác ngộ được những “thành phần trung gian” này ngả hẳn về phía ta thì cũng không được đẩy họ về phe địch.
Mặt khác, các phần tử phản động, thù địch khi đưa ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái lên mạng xã hội, thường sử dụng 2 thủ đoạn. Một là, chúng cố tình đổi trắng thay đen, từ không nói thành có, sai nói thành đúng nhằm cố tình làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý nóng giận, mất bình tĩnh, tạo hiệu ứng đám đông, từ đó làm cho chúng ta đưa ra những phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí văng tục, chửi bậy trên mạng xã hội. Như vậy, chúng sẽ đạt được mục đích là hạ thấp uy tín, nhân cách của chúng ta, tạo ra hình ảnh xấu xí của chúng ta trong mắt cư dân mạng - là những con người thô lỗ, cộc cằn, thiếu văn hóa trong đấu tranh, tranh luận - dẫn đến đánh mất cảm tình của cư dân mạng. Khi đó, mặc dù chưa chính thức bước vào đấu tranh, phản bác thì chúng ta cũng đã ở vào thế yếu. Hai là, với những vấn đề chúng cảm thấy còn mơ hồ, chưa nắm vững thì thông qua việc đưa lên mạng xã hội dưới dạng thông tin lập lờ, không khẳng định cũng chẳng phủ định nhằm thu hút sự tò mò của cư dân mạng. Sau đó, các “thành phần trung gian” vào tham gia bình luận, qua đó nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng hoặc tạo ra hiệu ứng số đông, tạo sự lan tỏa của thông tin xấu, độc trong cộng đồng mạng. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích của chúng là thông tin đưa ra không cần đúng, chỉ cần lôi kéo sự quan tâm, chú ý của cộng đồng mạng. Chúng sắp đặt sẵn các “con chim mồi” giả danh là các facebooker yêu nước sẵn sàng nhảy vào bình luận, phản bác các thông tin chúng đưa ra nhưng đã tinh vi đưa vào đó một số thông tin sai trái, luận điệu lôi kéo kích động, phản động, nếu cư dân mạng không có vốn kiến thức căn bản thì rất dễ bị “qua mặt”, đánh lừa. Đây là thủ đoạn vô cùng thâm độc, nham hiểm mà chúng đã áp dụng cuộc biểu tình quá khích ở Bình Thuận ngày 10-6-2018 vừa qua.
Cuộc đấu tranh phản bác thông tin phản động, xuyên tạc trên mạng xã hội hiện nay mặc dù gặp không ít khó khăn, song thuận lợi vẫn là yếu tố cơ bản, tạo điều kiện tốt để chúng ta đưa ra các thông tin phản bác có tính thuyết phục, tính chiến đấu cao. Thứ nhất, mạng thông tin phát triển, kho tàng tri thức trên internet rất dồi dào, phong phú, sinh động và thường trực. Các thông tin hữu ích để phục vụ cho việc đưa ra những ý kiến phản bác rất nhiều, rất dễ tìm kiếm, từ nhiều nguồn khác nhau, cả từ phía ta và phía đối phương. Thứ hai, trình độ nhận thức của cư dân mạng, nhất là các “thành phần trung gian” hiện nay có thể nói rất cao, họ sẵn sàng bày tỏ thái độ, chính kiến của mình, đúng, sai rõ ràng. Nếu các thông tin phản bác chúng ta đưa ra có tính thuyết phục cao thì sẽ nhanh chóng được thừa nhận, qua đó tạo sự lan tỏa nhanh chóng, rộng lớn của thông tin chính thống, phản bác có hiệu quả các thông tin xuyên tạc, phản động.
Một điều hiển nhiên là để đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội thì các thông tin chúng ta đưa ra phải có tính thuyết phục, tính chiến đấu cao, tức là phải làm cho các tầng lớp nhân dân, kể cả đối tượng phản động, chống đối cũng phải thấy có lý, có tình, phải tâm phục, khẩu phục. Những luận điểm, vấn đề đưa ra phải nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, phải có các số liệu, sự việc dẫn chứng, minh chứng cụ thể, rõ ràng và xác thực. Tính thuyết phục được biểu hiện ở tính phản biện cao, tính định hướng rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Khi bọn phản động, thù địch đưa ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái, bịa đặt, chúng ta phải bình tĩnh, tỉnh táo, chỉ rõ đúng sai, vạch rõ âm mưu nham hiểm, thủ đoạn sâu xa, đen tối của chúng khi cố tình thay đổi thông tin, “đổi trắng thay đen”. Đồng thời, chúng ta phải khôn khéo gợi mở vấn đề để giác ngộ các “thành phần trung gian”, vạch ra những điểm sai trái, bịa đặt trong các thông tin của thế lực thù địch, phản động đưa ra, nhằm tạo sự công tâm, khách quan, tính thuyết phục cao của các thông tin đấu tranh phản bác.
Tóm lại, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay vô cùng khó khăn, phức tạp. Vì vậy đòi hỏi phải có tính thuyết phục, tính chiến đấu cao trong các thông tin phản bác làm cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có cả các đối tượng phản động, thù địch phải tâm phục, khẩu phục. Có như vậy, thông tin đấu tranh phản bác mới thực sự hiệu quả, mới có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, trực tiếp đập tan những luận điệu sai trái, kích động, thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065