LTS: Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XI thông qua toàn văn tại kỳ họp lần thứ 8 ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006. Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhiều quy định của luật này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa phản ánh được những chủ trương, quan điểm chỉ đạo trong một số nghị quyết, văn kiện của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, Thanh tra chính phủ đã được giao soạn thảo Dự án luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Dự thảo đã được hoàn chỉnh và đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân. Theo dự kiến, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 4 tháng 10-2012. Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc những điểm mới quan trọng trong dư luật này.
* Các điều, khoản đều tăng:
Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 8 chương, với 109 điều. Chương I, những quy định chung (gồm 10 điều, từ Điều 1 đến Điều 10). Chương II: Là những quy định phòng ngừa tham nhũng (gồm 6 mục, 63 điều, từ Điều 11 đến Điều 73). Chương III: Là những quy định về phát hiện tham nhũng (gồm 3 mục, 9 điều, từ Điều 74 đến Điều 82). Chương IV: Xử lý hành vi tham nhũng (gồm 2 mục, 4 điều, từ Điều 83 đến Điều 86). Chương V: Tổ chức, trách nhiệm và hoạt động phối hợp của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, viện kiểm sát, tòa án và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong phòng, chống tham nhũng (gồm 2 mục, 13 điều, từ Điều 87 đến Điều 99). Chương VI: Vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng (gồm 4 điều, từ Điều 100 đến Điều 103). Chương VII: Quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng (gồm 2 mục, 6 điều, từ Điều 104 đến Điều 107). Chương VIII: Điều khoản thi hành (gồm 2 điều, Điều 108 và Điều 109).
Như vậy, so với Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng tăng 17 điều.
* Tăng quy định về phòng ngừa tham nhũng:
Điểm mới đáng lưu ý nhất trong dự luật là đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành cũng đã có quy định về việc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực (từ Điều 13 đến Điều 30). Tuy nhiên, việc công khai, minh bạch trên nhiều lĩnh vực chưa quy định rõ hoặc chưa được quy định, nhất là việc công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, quản lý tài nguyên, khoáng sản, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các khoản thu từ thuế, các khoản thu từ việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân… Đây là những lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng lớn về mặt chính trị, xã hội, cần phải được công khai, minh bạch hóa để phòng ngừa tham nhũng. Vì vậy, ngoài các lĩnh vực được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành, các lĩnh vực nói trên cũng cần phải công khai.
Vì vậy, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung tại các Điều 15, 16, 18, 21, 27, 28, 29 và Điều 30 của dự thảo Luật. Cũng trong phần quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của người cung cấp thông tin phải giải thích về nội dung thông tin được cung cấp hoặc nội dung được yêu cầu đã công khai thì phải trả lời cho người yêu cầu biết (Điều 35, 36). Nhằm xác định rõ và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ, dự thảo luật đã bổ sung Điều 38 (về trách nhiệm giải trình) như sau: Khi được yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình với cơ quan, tổ chức, cá nhân về quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình giải trình về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm thực hiện việc giải trình về những nội dung trong thời hạn được yêu cầu. Trường hợp người có trách nhiệm giải trình mà giải trình không đạt yêu cầu thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tùy theo tính chất, mức độ xem xét việc bố trí lại công tác hoặc xử lý kỷ luật.
* Sửa đổi, bổ sung về minh bạch tài sản, thu nhập:
Giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (Điều 55) Khi kê khai tài sản, thu nhập mà tài sản, thu nhập có sự biến động tăng thêm từ một trăm triệu đồng trở lên so với lần kê khai gần nhất, người kê khai phải giải trình nguồn gốc phần tăng thêm.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, xác định rõ người có nghĩa vụ phải kê khai, mở rộng đối tượng phải kê khai, công khai kết quả kê khai, giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các nội dung này tại Điều 49, 50, 52, 52 và Điều 55. Ngoài ra, để xác định rõ căn cứ xác minh, thẩm quyền yêu cầu xác minh, thẩm quyền xác minh, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập và công khai kết luận xác minh, dự thảo luật đã bổ sung Điều 56, 57, 58, 59, 60, 61 và Điều 63 theo hướng bảo đảm chặt chẽ, chính xác, khách quan khi xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập.
* Trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng:
Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát hiện và xử lý vụ việc tham nhũng, dự thảo luật bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp có dấu hiệu tham nhũng thì phải tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng (Điều 68). Nội dung của Điều 68 như sau:
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức do mình trực tiếp quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì phải tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác quy định tại Khoản 1 điều này ngay sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan quy định tại Khoản 2, Điều 77 của Luật này.
* Về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng:
Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012 của hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng “ở Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban”, dự thảo đưa ra ba phương án để lựa chọn như sau:
Phương án 1: Xác định rõ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Phương án 2: Chỉ quy định trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Phương án 3: Không có quy định về Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng trong dự thảo luật.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065