Vậy mà mấy ngày qua các cơ quan chức năng lại phát hiện chính những kẻ vừa mới tỏ ra hối lỗi kia lại xả hàng trăm tấn chất thải độc hại trực tiếp ra môi trường. Lúc này, nhiều tờ báo bắt đầu truy tìm “lý lịch” của kẻ gây thảm họa thì được biết tập đoàn này đã từng “làm bẩn” và bị tẩy chay ở nhiều nơi trên thế giới. Rồi các cơ quan có trách nhiệm sẽ có câu trả lời rõ ràng về mức độ độc hại cũng như khối lượng chất thải mà đơn vị này đã đổ ra môi trường, nhưng vẫn có rất nhiều câu hỏi khác cần được giải đáp. Đó là vì sao giám đốc một công ty môi trường lại nhận thức rằng chất thải công nghiệp có kim loại nặng “chỉ là chất thải thông thường” để rồi ký hợp đồng cho Formosa đổ vào trang trại của gia đình? Vì sao hàng trăm tấn chất thải công nghiệp được vận chuyển đến trang trại trong một thời gian dài mà không cơ quan chức năng nào phát hiện...?
Đó là chuyện xảy ra trên phạm vi cả nước.
Còn trên địa bàn tỉnh, vụ việc cá chết hàng loạt nổi trắng mặt sông Sài Gòn đoạn chảy qua 3 xã của huyện Hớn Quản mấy ngày vừa qua cũng có thể coi là một thảm họa môi trường trên địa bàn tỉnh. Dẫu các cơ quan chức năng chưa có câu trả lời nguyên nhân dẫn tới tình trạng cá chết, nhưng theo những thông tin mà báo chí nêu thì việc cá chết có mối liên hệ rất gần với việc nhiều công ty sản xuất và chăn nuôi xả thải trực tiếp xuống sông. Rồi chỉ vài ngày sau vụ cá chết trên sông Sài Gòn, báo chí lại phát hiện Công ty CEM (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên diện rộng. Đi vào hoạt động từ tháng 10-2012, do đang trong giai đoạn hưởng chính sách ưu đãi về thuế nên công ty này hiện mới chỉ đóng 3 triệu đồng thuế môn bài mỗi năm. Thế nhưng những ảnh hưởng môi trường mà công ty này gây ra là không nhỏ. Là công ty đúc và chế tạo khuôn mẫu, nguyên liệu sản xuất của CEM chủ yếu từ các loại phế liệu điện tử. Cứ mỗi tháng 2 lần, công ty đốt phế liệu để lấy nguyên liệu chế tạo máy đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân qua mùi hôi và các chất độc hại phát tán trong không khí.
Còn nhớ năm 2008, người dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai phát hiện Công ty Vedan lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Công ty này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường 267,5 triệu đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường 127 tỷ đồng. Đến năm 2013, cũng lại người dân phát hiện Công ty Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất trừ sâu với độc tố vượt ngưỡng hàng chục ngàn lần ở Thanh Hóa, khiến nhiều người dân xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phải bỏ làng đi nơi khác vì lo sợ nhiễm độc.
Ô nhiễm trên mặt đất, ô nhiễm trong lòng đất, ô nhiễm dưới nước, ô nhiễm trong không khí... Hệ lụy từ ô nhiễm môi trường không còn xa xôi mà đã hiển hiện ngay trong cuộc sống của người dân Bình Phước. Người dân và cả Nhà nước không thể chấp nhận những thảm họa môi trường tương tự trong tương lai. Điều đó chỉ có thể tránh được khi những bài học kinh nghiệm được rút ra. Và đương nhiên phải có ai đó bị trừng phạt vì đã gây ra những thảm họa ghê gớm này!
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065