Khi nói đến văn hóa là nói đến cả khía cạnh văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến văn hóa tinh thần, về nhu cầu hưởng thụ những giá trị về mặt tinh thần.
Phải khẳng định trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã lãnh đạo thực hiện khá tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất của người dân. Điều này đã thể hiện rõ qua những con số mà dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nêu ra. Đó là: Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ước đạt 7,25%, tăng 0,15% so với nhiệm kỳ trước. Quy mô nền kinh tế đạt 68.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,64 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 67,3 triệu đồng, gấp 1,54 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,55%, giảm 3,6% so với đầu nhiệm kỳ; có 99% hộ dân sử dụng điện; 98% dân số nông thôn và 99% dân số đô thị sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Trên lĩnh vực văn hóa, cũng rất đáng mừng khi dự thảo báo cáo đánh giá: Công tác tuyên truyền cổ động, biểu diễn nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp được chú trọng. Tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, thu hút đông quần chúng tham gia. Hoạt động thông tin, tuyên truyền trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội... được đổi mới cả về nội dung và hình thức, đảm bảo đúng định hướng và đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân…
Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta phải cầu thị, nhìn thẳng, đánh giá đúng thực tế về những gì được và chưa được. Rõ ràng, chúng ta có thể dễ dàng định lượng những con số thể hiện sự phát triển về kinh tế, đo lường sự hài lòng của người dân về mức sống vật chất, nhưng lại rất khó định lượng được sự hài lòng của họ về đời sống tinh thần, mà chỉ có thể cảm nhận được bằng tai nghe, mắt thấy. Nếu đặt ra câu hỏi: hình thức giải trí của gia đình ông/bà/anh/chị là gì, tôi chắc chắn rằng: đại đa số người có tuổi sẽ trả lời là ở nhà xem tivi, nghe nhạc; còn giới trẻ sẽ cho biết họ đi cà phê, tán gẫu với bạn bè…
Điều này thể hiện: đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh đang rất… nhạt. Người dân đang rất thiếu thiết chế văn hóa, nhất là các công viên để đến thư giãn, rèn luyện sức khỏe… Thậm chí, ngay tại thành phố Đồng Xoài, đến nay vẫn chưa có được một khu công viên đúng nghĩa, dù tỉnh đã có gần 24 năm tái lập. Tại thành phố, cũng chỉ có vài ba công viên mini trong khu dân cư và phần lớn khánh thành trong năm nay.
Nhu cầu ra công viên dạo chơi, hóng gió, luyện tập thể dục hằng ngày của người dân, nhất là những gia đình có con nhỏ muốn có chỗ cho các bé nô đùa là rất lớn, nhưng họ lại không có chỗ nào khác ngoài sân cỏ trước trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đương nhiên, nơi đây không phải là công viên nên không có chức năng của một công viên…
Trong phần đánh giá về khó khăn, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, dự thảo báo cáo cũng đã nhấn mạnh đến điều này: “Các thiết chế văn hóa - thể thao chưa đồng bộ, đầu tư thiếu thiết thực, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thụ hưởng của người dân...”. Nhưng có điều, trong phần chỉ tiêu của nhiệm kỳ mới, dự thảo báo cáo chỉ nhấn mạnh đến việc xây dựng “gia đình văn hóa”, “thôn/ấp/khu phố văn hóa”, “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”..., mà hoàn toàn không đề cập đến việc xây dựng các công viên văn hóa. Giải pháp trên lĩnh vực này cũng nêu khá chung chung: “Quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Quy hoạch, dự trữ quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao khi đủ điều kiện...”.
Chúng tôi từng rất kỳ vọng vào dự án Khu đô thị mới công viên trung tâm Đồng Xoài, nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi công xây dựng. Theo dự thảo, công trình này phải đến năm 2024 mới hoàn thành. Trước đó, dự án Khu đô thị Cát Tường Phú Hưng - một dự án cũng có diện tích công viên lớn và chức năng giải trí cao - sẽ hoàn thành năm 2023. Thú thật, chúng tôi cũng khá e ngại mốc thời gian này! Bởi, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 cũng đã nhận định rất rõ: “Trong giai đoạn tới tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19”. Công viên trung tâm Đồng Xoài và dự án Khu đô thị Cát Tường Phú Hưng là hai trong 10 dự án nằm trong các dự án trọng điểm nhiệm kỳ 2020-2025 sử dụng vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra còn có 10 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
20 công trình trọng điểm cho một nhiệm kỳ là quá lớn. Chính vì vậy, tôi cho rằng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI nên cân nhắc, không nên đầu tư dàn trải mà tập trung vào những dự án mang tính cấp thiết. Với những phân tích nêu trên, tôi mong muốn việc cải thiện đời sống tinh thần của người dân sẽ được chú ý hơn, bắt đầu từ việc quyết tâm hoàn thành 2 công trình trọng điểm này và đưa vào thành chỉ tiêu để phấn đấu.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065