BIẾN ĐẤT CẰN TRỞ THÀNH TRÙ PHÚ
Nhìn những rẫy điều, cao su, hồ tiêu xanh bạt ngàn của hộ ông Điểu Mách, ít ai biết trước đây từng là khu rừng rậm, cỏ dại mọc um tùm. Trở về từ chiến trường Tây Nam năm 1979, ông Điểu Mách cùng vợ bắt tay xây dựng kinh tế. Những cơn sốt rét rừng, thiếu thốn đủ thứ khi các con lần lượt ra đời càng khiến nghị lực của người lính Cụ Hồ được tôi luyện. Làm xong vườn rẫy của gia đình, vợ chồng ông tranh thủ làm công cho các hộ lân cận để có thu nhập và mua thêm đất rẫy. Những giọt mồ hôi đã hòa vào đất để có thành quả hôm nay là 15 ha rẫy, với đủ các loại cây trồng, cho gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Điểu Mách hướng dẫn lớp trẻ trong thôn kỹ thuật cạo mủ cao su
Ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm vườn khi có hộ muốn học hỏi. Nhờ ông hướng dẫn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết đào ao thả cá, nuôi gà, heo trong chuồng trại, trồng xen canh các loại cây ngắn, dài ngày để cải thiện cuộc sống. Nhiều gia đình đã có tiền mua tivi, xe máy, vươn lên thoát nghèo.
Khi cây cao su, điều, tiêu chưa cho thu hoạch, ông trồng mì, bắp xen canh để lấy ngắn nuôi dài. Điều, tiêu cho thu hoạch, không để thương lái ép giá, ông mạnh dạn mua máy cày trực tiếp chở nông sản đến đại lý bán. 5 năm trước, chuyện sắm được máy cày của gia đình ông Điểu Mách khiến nhiều người trong ấp không khỏi ngỡ ngàng. Nhờ có máy cày đã giúp gia đình ông giảm sức lao động, có thời gian dạy dỗ con cái. 4 người con của ông đều được đi học, con gái thứ hai hiện là giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường THCS Bù Gia Mập, con út đang học lớp 12. Khi có của ăn của để, ông Điểu Mách lại giúp đỡ cựu chiến binh trong thôn vay vốn không tính lãi, có hộ vay tới 40 triệu đồng.
HỌC TỪ KINH NGHIỆM THỰC TẾ
Thất bại với 200 gốc hồ tiêu khi mới khởi nghiệp năm 2000 không làm anh Điểu Reo nao núng. Anh kể: “Thấy người ta trồng tiêu “ăn” nên mình cũng mua giống về trồng, ai dè tiêu bị bệnh chết sạch. Sau vụ tiêu đầu không thành công, mình bắt đầu tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng tiêu. Nắm vững được kỹ thuật, mình làm đơn xin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 500 triệu đồng để cải tạo đất và tiếp tục xuống giống tiêu mới”.
“Mỗi người phải nỗ lực vươn lên, không thể cái gì cũng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện cho mình có “cần câu” thì mình làm sao phải “biết câu” để thoát nghèo chứ. Nói tóm lại là mỗi người phải biết tư duy để làm giàu”. Ông Điểu Mách |
Những hàng tiêu xanh tốt, giờ đây như minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân trẻ Điểu Reo. Từ 200 gốc tiêu ban đầu giờ đã tăng lên 2 ha cùng 5 ha điều và 3 ha cao su. Vài năm trở lại đây, giá tiêu ổn định nên gia đình anh Điểu Reo tập trung đầu tư để thu lợi từ cây trồng này. Anh Điểu Reo khoe: “Để vườn tiêu đạt năng suất cao cũng như ổn định qua từng mùa, mình rất ít sử dụng phân hóa học mà chủ yếu dùng phân hữu cơ do gia đình tự làm như: phân bò trộn với trấu, mùn cưa, men vi sinh đem ủ một thời gian sẽ được loại phân tốt cho cây tiêu. Thỉnh thoảng, mình tưới phân bò tươi ngâm với nước xung quanh gốc tiêu để giữ ẩm và tăng hàm lượng vi sinh trong đất. Tiêu bị sâu bệnh, mình tìm cây bọ xít (theo tên gọi của đồng bào - PV) ngâm với nước một thời gian rồi tưới lên cây, sâu ăn phải sẽ tự chết mà không cần dùng đến thuốc trừ sâu. Dung dịch này có thể tưới vào đầu, giữa và cuối mùa mưa”. Theo anh, tự chế được phân bón, thuốc diệt sâu vừa giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu vừa giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất ổn định và tiết kiệm hơn một nửa chi phí mua phân, thuốc trừ sâu. Nhờ nguồn phân vi sinh, anh Điểu Reo còn tận dụng diện tích trống trong vườn tiêu để trồng rau bí, nuôi gà thả vườn cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Ở tuổi 40, anh Điểu Reo đang sở hữu 10 ha đất, thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Càng hạnh phúc hơn khi 4 người con của anh lần lượt trưởng thành. Người con đầu tình nguyện đi bộ đội, con thứ hai là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước, 2 người con út đang đi học. “Cứ chăm chỉ làm ăn thì việc xây nhà lầu, sắm xe hơi sẽ trong tầm tay” - anh Điểu Reo vui vẻ nói.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065