Nhà máy Ethanol Bình Phước khởi công xây dựng năm 2010, khánh thành và đi vào hoạt động tháng 12-2012. Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, nhà máy dần rơi vào bế tắc vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Tháng 12-2014, Chính phủ chỉ đạo triển khai thí điểm thực hiện bán xăng E5 tại 7 tỉnh, thành phố lớn để rút kinh nghiệm triển khai trên toàn quốc. Thí điểm này không nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và sang năm 2015 Nhà máy Ethanol Bình Phước chính thức đóng cửa. Tháng 12-2015, tiếp tục thí điểm 50%, 6 tháng sau là 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu 8 tỉnh, thành phố lớn phải bán xăng E5, thay thế hoàn toàn xăng RON92. Hy vọng lóe lên với Nhà máy Ethanol Bình Phước nhưng nhanh chóng rơi vào bóng tối vì thí điểm không đạt kết quả như mong đợi. Bộ Công Thương đưa ra lộ trình lùi đến tháng 6-2016 xăng RON92 phải thay thế toàn bộ bằng xăng E5. Chưa thực thi, Bộ Công Thương đề xuất lùi lại tiếp. Lần này, Chính phủ quyết liệt: Từ năm 2018, chỉ cho phép sản xuất xăng E5 và xăng RON 95, tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trong cả nước phải bán xăng E5.
Chủ trương ấy như một chiếc phao cứu sinh với 3 nhà máy sản xuất xăng sinh học đang “trùm mền” ở 3 tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước. Tuy nhiên, vấn đề không phải là “cứu” hay “không cứu” một hay ba nhà máy, cho dù đó là những nhà máy được xây dựng với kinh phí đều hơn 2.000 tỷ đồng. Mà không thể chậm trễ được nữa, Việt Nam phải bước sang kỷ nguyên sử dụng nguyên liệu sinh học như một giải pháp phát triển bền vững. Việt Nam là nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu - không còn là một “khẩu hiệu”, một “sologan” như một số người vẫn lầm tưởng. Nếu ai còn không tin, hãy xem những thiệt hại do thiên tai gây ra trên đất nước Việt Nam tuần qua, vài tháng qua, năm 2017 hay trong vòng 5 năm qua. Thế giới sẽ không chung tay cùng Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu khi chính chúng ta không có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Xăng sinh học E5 là nhiên liệu dùng cồn Ethanol để phối trộn với xăng A92, theo tỷ lệ 5% cồn Ethanol và 95% xăng A92. Cồn sinh học ethanol được chế biến từ quá trình lên men của các sản phẩm hữu cơ, như lúa mì, đậu tương, bã mía, củ mì... Xăng sinh học thải ra ít hơn 20-30% lượng khí thải so với xăng thông thường. Giá xăng sinh học cũng thấp hơn các loại xăng khác... Nhiều ưu điểm vượt trội như thế, nhưng tại sao E5 lại chưa được người tiêu dùng đón nhận?
Chuyện này với người phương Tây sẽ thấy lạ, nhưng với người Việt Nam thì... bình thường. Bởi thứ nhất hệ thống truyền thông của nước ta đã không làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, thứ hai người tiêu dùng Việt Nam vốn hay hoài nghi và ý thức bảo vệ môi trường kém. Từ mấy chục năm trước, người dân ở các nước phát triển đã sử dụng xăng sinh học cho chiếc ôtô của họ, nhưng đến bây giờ nhiều người Việt Nam vẫn lo sợ sử dụng xăng sinh học sẽ ảnh hưởng đến động cơ chiếc xe gắn máy của mình.
Còn rất nhiều bài toán kinh tế, quản lý vĩ mô phía sau, nhưng có lẽ vấn đề đầu tiên trong “câu chuyện E5”, cần được bắt đầu từ truyền thông và ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065