Ông cưng chiều con cháu, dù tôi có đòi mua bánh kẹo, nước ngọt hay các loại đồ chơi linh tinh ông cũng luôn vui vẻ mua cho. Chẳng phải dư dả tiền bạc, chỉ là trong lòng ông, nụ cười rạng rỡ của tôi khi được quà còn đáng giá hơn mọi loại vật chất khác. Hồi tôi học cấp 1, trường thiếu phòng học nên phải chia làm hai buổi. Năm đó, tôi học buổi chiều. Để kịp nghỉ ngơi rồi đi học, tôi thường ăn cơm luôn ở nhà ngoại. Bữa cơm có tôi cũng dần dà được chăm chút hơn. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên cái hôi hổi của cơm nóng, của tô canh cải chua, cái ngọt thanh của chén nước cơm chính tay ông chắt cho tôi hằng ngày. Ăn cơm rồi nghỉ ngơi đâu đấy xong xuôi, ông chở tôi đi học. Ông tôi có một chiếc xe máy màu xanh. Chiếc xe ấy đã theo tôi suốt cả tuổi thơ, chứng kiến tôi lớn lên từng ngày. Tôi vẫn nhớ có những buổi trưa nắng gắt, ngồi sau lưng ông đến trường mà chẳng hiểu sao có “giọt mưa” rơi xuống từ khóe mắt. Đó chính là những giọt mồ hôi chảy dài trên lưng của ông làm tôi đau lòng. Trong suy nghĩ non nớt của học sinh cấp 1 lúc ấy, tôi không ngừng ấp ủ khao khát được chăm sóc ông lúc về già, để đền đáp những gì mà ông đã che chở, cho những ngày ông vì tôi mà chẳng quản ngại sớm trưa.
Như bao người lớn tuổi khác, ông cũng thích chăm sóc cây cối trong vườn. Ông trồng nhiều cây, từ cây cảnh đến cây ăn trái. Buổi trưa, đung đưa trong cánh võng, giấc mơ trưa có cả màu xanh rì của lá cây nhảy nhót quanh tôi. Thế rồi những giấc mơ trong khu vườn ngập gió ấy cũng thưa dần, thời gian như con thoi không bao giờ dừng lại và tôi thì cứ lớn dần, ông ngày một già yếu.
Lên cấp 2, ba mẹ rỗi rãi hơn, tôi không ăn cơm với ngoại nữa. Có xe đạp, tôi cũng không còn ngồi sau lưng để ông chở đi học như ngày nào. Cuộc sống của tôi cứ dần xa ông như thế. Lời hứa sẽ chăm sóc ông ngày nào dần nhạt màu, bị những nỗi lo khác trong tôi lấp đầy, lọt thỏm...
Đó là một ngày nắng nhạt. Về thăm ông mà lòng tôi ngổn ngang cảm xúc. Ông tôi bệnh! Thời gian đối với người già thật tàn nhẫn, nó hút dần, hút dần sinh lực của ông tôi. Ông gầy đi nhiều lắm. Tấm lưng vững chãi ngày nào giờ đã yếu, nhưng ông vẫn cười, nụ cười móm mém của một người già nhưng luôn ngập tràn niềm vui. Tôi đã lớn, nhưng chưa thể chăm sóc ông như lời đã hứa. Ông đã già nhưng vẫn bảo bọc tôi vẹn nguyên như ngày cũ, vẫn câu hỏi quen thuộc: “Cháu thích gì, ông đi mua?”. Chỉ một câu nói thôi, dường như bóp nghẹt trái tim tôi. Ông không nhớ đã lâu tôi không đến thăm ông, rằng tôi giờ đã lớn, cần gì có thể tự đi mua...
Tại sao sau sự vô tâm của tôi, ông vẫn yêu thương tôi như thế? Có lẽ, vì ông là ông, chỉ vậy thôi. Vì cái quan hệ máu mủ ruột rà đã gắn chặt ông với tôi, vì dù đứa cháu ấy có hư đến thế nào, ông cũng có thể bao dung hết thảy, vì dù là cho đi bao nhiêu ông cũng không bao giờ cần nhận lại...
Người trẻ thường dư dả thời gian, nhưng phần lớn lại dùng thời gian đó để lo toan cho cuộc sống của mình, rong ruổi ở những biển trời xa lạ. Và một ngày nào đó sẽ nhận ra những chốn mới mẻ ấy rồi cũng trở nên cũ kỹ, chỉ có gia đình là bến bờ duy nhất tồn tại vĩnh hằng. Tôi may mắn hơn nhiều người vì đã kịp nhận ra điều giản đơn ấy khi những người thân yêu của mình vẫn còn ở bên cạnh.
Quẩn quanh với dòng tâm tư của mình, mãi rất lâu sau tôi mới có thể nghẹn ngào mà đáp lời ông rằng: “Ông, mua cho con sức khỏe của ông!”.
Hồng Hạnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065