Người Xêtiêng quan niệm về “của” khác với người Kinh. Với họ, nhà giàu phải có nhiều xà lung, tố, nuôi nhiều con vật như trâu, bò, heo. Do sống gần gũi với thiên nhiên, tôn thờ tự nhiên nên các phong tục tập quán của người Xêtiêng đều gắn với trời đất. Họ cho rằng của cải làm ra là do thiên nhiên ban tặng và con người phải nhớ công ơn trời đất, cha mẹ. Tục trả của cũng từ đó ra đời. Trải qua thời gian tục trả của hiện đã mai một dần, do có nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, ở một số nơi, tục này vẫn còn tồn tại và trở thành rào cản khiến người Xêtiêng khó tiếp cận với nếp sống văn minh, tiến bộ.
MỸ TỤC CỦA NGƯỜI XÊTIÊNG
Ông Điểu Son ở thôn 2, xã Bình Minh (Bù Đăng) sau câu chuyện với chúng tôi về những cái tố (bình, vại đựng rượu) để trước nhà đã khoe: Năm ngoái, tui cưới vợ cho con trai út là Điểu Thành hết 100 triệu đồng. 50 cái tố, mỗi cái 300 ngàn đồng, 2 xà lung hết hơn 40 triệu, 3 con trâu, 12 con heo, chưa kể rượu, bia, nước ngọt.. Nhờ vậy mà tui rước được dâu về nhà, con trai tui không phải trả của như những người khác.
Nhà ông Điểu Son đang có rất nhiều tố
Với đồng bào Xêtiêng, trả của là phong tục không thể bỏ. Ông Điểu Son cho biết tục này có từ rất lâu. Khi ông cưới vợ cũng phải trả của 3 năm, gồm các lễ vật là 50 cái tố, 2 xà lung, 2 con bò, 2 con trâu, 12 con heo và không biết bao nhiêu rượu. Ông Son cho biết thời đó nếu không trả hết của cho nhà gái thì ông phải ở rể, khi nào trả hết của thì mới được rước vợ về. Người Xêtiêng xưa cho rằng đó là đạo lý mà con cháu cần ghi nhớ và phải thể hiện bằng hành động trả của. Bởi đó là cách trả lễ báo đáp công ơn cha mẹ, buôn sóc, trời đất đã sinh và nuôi dưỡng ta nên người.
Cũng chính bởi ý nghĩa tốt đẹp đó mà tục trả của được đồng bào Xêtiêng lưu giữ qua bao đời và tồn tại đến ngày nay. Nhưng hiện nay, có một bộ phận đồng bào lợi dụng phong tục này để biến trả của thành hủ tục. Thay vì trả của để báo ơn, họ đã máy móc buộc thế hệ sau phải trả lại những lễ vật giống như trước đây mình đã trả, như một cách “đòi nợ”. Vì thế vô tình đẩy con cháu vào những hoàn cảnh trớ trêu không đáng có, thậm chí mỹ tục này có nguy cơ trở thành hủ tục.
VÀ SỰ BIẾN TƯỚNG THỜI NAY
Ông Son có 4 người con, 3 gái một trai. Ông đã gả 1 con gái và cưới vợ cho con trai. Gả chồng hay cưới vợ trong nhà ông Điểu Son đều theo tập tục trả của và đám nào cũng tốn nhiều tiền. Dân làng ở thôn 2 nói rằng nhà ông Điểu Son giàu có mới làm được như vậy, còn bà con nghèo thì không. Thậm chí vì ám ảnh bởi tục trả của nên nhiều thanh niên Xêtiêng nghèo khi đến tuổi dựng vợ gả chồng đã cố ý “vượt rào”, buộc hai bên gia đình phải cho sống chung với nhau, hoặc trốn đi thật xa, khi “gạo đã nấu thành cơm” thì quay về xin gia đình chấp thuận.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tục trả của hiện vẫn tồn tại ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập. Đồng bào Xêtiêng ở Chơn Thành, thị xã Bình Long đã thực hiện trả của theo hình thức phù hợp, thích nghi với xã hội hiện đại. Anh Điểu Bách, xã Minh Lập (Chơn Thành) cho biết: Đám cưới của anh và nhiều thanh niên nam nữ khác hiện nay được tổ chức gần giống người Kinh. Tục trả của được thỏa thuận trong sính lễ của đàng trai và đàng gái. Các lễ vật như tố, xà lung, trâu, bò... được thay bằng trầu cau, rượu, gà... Gia đình có kinh tế khá thì cho thêm vợ chồng mới cưới một số vốn để làm kinh tế. Đồng thời hai bên cha mẹ căn dặn con cái sống hiếu thuận với cả cha mẹ vợ và chồng để làm gương nuôi dạy con cái sau này.
|
Anh Nguyễn Văn Châu, Phó thôn 2, là con rể ông Điểu Son cũng trả của đã hơn 10 năm. Anh Châu cho biết anh còn nợ nhà vợ 1 xà lung, 2 con trâu và 4 con heo. Tuy không phải ở rể nhưng việc trả của thì anh Châu không thể không thực hiện. “Mình cưới vợ người Xêtiêng thì phải chịu thôi, vì đó là phong tục của dân tộc họ. Năm 2002, khi mình cưới vợ, nhà gái đòi 50 cái tố, 2 xà lung, 2 con trâu, 2 con bò và gà, rượu. 12 năm lấy nhau, vợ chồng anh Châu - chị Lan sinh được 3 người con, lớn 12 tuổi, nhỏ hơn 4 tuổi nhưng vẫn chưa trả của xong.
Anh Châu thừa nhận, việc trả của đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình. “Vợ chồng tôi hiện có gần 2 ha điều, năm nào thu cũng trích ra một ít mua trâu, bò để trả của. Tuy nhà vợ không đòi nhưng đã nợ là phải trả”, anh Châu nói. Ông Hoàng Văn Sơn, đại biểu HĐND xã Bình Minh, cho biết thêm: Tục trả của trong cộng đồng người Xêtiêng đang còn tồn tại. Chính quyền biết nhưng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân hạn chế chứ không có chế tài để cấm.
Cho dù chưa ai dám lên tiếng phản đối, nhưng nhiều người dân ở thôn 2 cho biết, chính tục này đã khiến cuộc sống của đồng bào Xêtiêng ngày một khó khăn hơn. Cách sống không lo toan, tới đâu hay đó đã làm họ không khá lên, nay lại thêm hủ tục đeo bám nên không thể thoát nghèo. Đám cưới người Xêtiêng bây giờ được tổ chức về hình thức giống người Kinh. Nhưng ngoài các phong tục tập quán, người Xêtiêng còn tổ chức tiệc tùng linh đình để đãi bà con trong thôn, sóc. Đặc biệt, người Xêtiêng khi theo đạo Công giáo thì ngoài lễ tiệc theo phong tục truyền thống còn thêm một lễ (theo tôn giáo) nữa nên rất tốn kém. Thực tế đã có nhiều gia đình người Xêtiêng phải bán vườn, rẫy, thậm chí đi vay nợ tổ chức đám cưới cho con để rồi luẩn quẩn trong nghèo khó từ đời này qua đời khác.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065