Tục thờ cúng trở thành một nét văn hóa của người Việt từ ngàn xưa. Tuy nhiên, để hiểu biết chính xác, cặn kẽ về những phong tục, tập quán ấy thật không dễ dàng. Riêng với tục thờ cúng Thổ Công và Táo Quân, cũng có nhiều người nhầm lẫn hoặc chưa rõ, đặc biệt là gần đây nhiều người có quan điểm, lý giải cho rằng Thổ Công và Táo Quân là hai vị khác nhau. Vậy Thổ Công và Táo Quân là một hay là hai vị khác nhau?
Xưa nay hầu hết mọi người thường cho rằng Thổ Công và Táo Quân là một và thường được ghép chung thành một cụm từ trước khi hành lễ, đó là “cúng ông Công ông Táo”. Tuy nhiên, đã có nhiều thắc mắc và cách lý giải khác nhau về lai lịch của hai nhân vật này.
Thổ Công: Vị thần cai quản đất đai - Ảnh: Tư liệu
Trong từ điển hoặc trong nhân gian, hiểu một cách đơn giản nhất: Thổ Công, còn gọi là Thổ Địa, Thổ Thần, là ông thần cai quản đất đai, nhà cửa. Táo Quân, hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau, như Chư Vị Thần Quân, Vua bếp... là thần coi giữ việc bếp núc của gia đình.
Thổ Công là vị thần cai quản đất đai, chưa rõ là một hay nhiều thần khác nhau, nhưng thường trong tưởng tượng, trong miêu tả văn học hoặc trong điện ảnh luôn được coi là một nam thần, hiện diện trên mặt đất. Ví dụ trong tác phẩm Tây Du Ký, khi dựng thành phim, nhiều lần “Sơn Thần Thổ Địa” được Tôn Ngộ Không gọi lên đều là một nam thần.
Trong khi đó Táo Quân hay còn được gọi là Ông Táo, Vua bếp, Ông Đầu Rau là một bộ chư thần, gồm ba thần, trong đó có hai nam và một nữ, trông coi việc bếp núc gia đình và những vị thần này theo quan niệm chỉ hiện diện trong bếp mà thôi.
Ngày xưa, ở vùng đồng bằng người dân đốt lửa nấu nướng bằng rơm, rạ, củi, lá cây... trong một cái bếp có 3 cục “đầu rau” nặn bằng đất sét, xếp hình tam giác để đặt nồi lên và đốt lửa ở dưới. Sau này tiến bộ hơn, nhiều gia đình thay thế 3 cục, còn gọi là 3 ông “đầu rau” bằng hai hàng gạch chặn hai đầu, sau đó dùng thanh sắt dài bắc qua để đặt nồi niêu lên trên nấu. Tiến bộ hơn, các thanh sắt được hàn nối liền với nhau, có bốn chân bốn góc hình chữ nhật rất thuận tiện cho đun nấu bằng rơm, rạ, củi... Các loại bếp này dần dần được cải tiến thuận tiện hơn, hiện đại hơn... và ngày nay là chiếc bếp ga. Ba ông “đầu rau” chỉ còn lại trong văn học, nghệ thuật hoặc trong ký ức của những ai từng biết và còn nhớ. Từ hình ảnh ba ông “đầu rau”, nhân gian đã sáng tạo nên câu chuyện cổ tích Ông Táo đầy cảm động mà ngày nay gần như ai ai cũng biết - câu chuyện về tình yêu thương, lòng trung thực của Trọng Cao, Phạm Lang và Thị Nhi quanh ngọn lửa hồng.
Lễ cúng Ông Táo là ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Theo quan niệm trong dân gian, đây cũng là ngày tiễn chung Ông Công (Thổ Công) và Ông Táo về chầu trời. Trong ngày này, đúng phong tục cổ truyền của người Việt, Ông Táo được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng ở ban thờ chính trên nhà cùng với gia tiên. Như vậy, Ông Công và Ông Táo phải là hai nhân vật khác nhau.
Cũng có ý kiến cho rằng trong ba ông đầu rau, chồng mới là Thổ Công (ông quan cai quản đất), trông nom việc trong bếp; chồng cũ là Thổ Địa (người cai quản về đất đai), trông nom việc trong nhà; vợ là Thổ Kỳ (thần đất), trông nom việc chợ búa. Và trong rất nhiều sách, báo, tài liệu... gọi chung tất cả họ là Thổ Công nên đã gây ra nhiều lầm lẫn. Một số tài liệu gán ghép cho Táo Quân là bộ ba Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ và cho rằng Thổ Công coi sóc nhà cửa, Thổ Địa coi việc bếp núc và Thổ Kỳ coi việc chợ búa. Nếu nhìn nhận như vậy, có nghĩa là Thổ Công chỉ là một trong ba vị Táo Quân.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn coi Thổ Công là Thổ Công, Táo Quân là Táo Quân không lẫn lộn. Vấn đề này trở nên phức tạp hơn khi những khái niệm, tên gọi, cách hiểu về Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ xuất hiện trong những bộ phim dân gian về Táo Quân của Trung Quốc. Thật ra, từ xa xưa trong các tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam cũng không nói đến việc Thổ Công liên quan đến Táo Quân và cũng không tách bạch 3 vị Táo Quân ra với tên gọi cụ thể như phim ảnh Trung Quốc. Nếu coi Thổ Công chỉ là 1 trong 3 vị Táo Quân thì sẽ rất khó giải thích khi cúng Thổ Công trước khi đào đất để xây dựng (nhà riêng, công sở, chùa chiền...) những nơi không có người ở trước đó. Trong khi 3 vị Táo Quân thì luôn luôn phải đi cùng với nhau hoặc chỉ liên quan đến việc bếp núc.
Theo phong tục người Việt, ngay trên bàn thờ tổ tiên (nếu không tách riêng ra) Thổ Công được thờ ở bên trái mà không ai thờ Táo Quân trên nhà. Như vậy việc cho Thổ Công chỉ là 1 trong 3 Táo Quân là luận điểm không vững chắc. Sự tích Táo Quân chỉ để tô vẽ hình ảnh của 3 cục đầu rau vốn chỉ tồn tại trong bếp và mang tính giáo dục cuộc sống gia đình.
Thế giới tâm linh luôn kỳ bí, khó lý giải nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì thường thấy... cũng đúng. Ngày Ông Táo chầu trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng về một năm cuộc sống của gia chủ đã đến, xin mạn đàm đôi lời về một nét văn hóa truyền thống của người Việt.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065