Lịch trình làm việc của Tổng thống Mỹ tại Việt Nam dày đặc trong 3 ngày này, tuy vậy trong “thời khóa biểu” tưởng chừng không có khoảng trống, nhưng ông Obama vẫn thu xếp được nửa tiếng đồng hồ để sinh hoạt với người dân Việt.
Ấn tượng mà ông Obama đem lại cho nhân dân Việt Nam không phải từ việc công bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, mà từ bài phát biểu không cần nhìn vào giấy viết sẵn của ông trước hàng ngàn sinh viên và doanh nghiệp trẻ Việt Nam vào sáng 24-5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.
Trong cuộc gặp gỡ này, Tổng thống Mỹ đã chứng tỏ kiến thức, sự tìm hiểu về văn hóa Việt của ông thật rộng rãi và sâu sắc đến kinh ngạc.
Những người dự khán trực tiếp và những người theo dõi qua tivi, chẳng ai là không ngạc nhiên và bất ngờ về tầm am hiểu của người đàn ông được cho là quyền lực nhất hành tinh đối với đất nước Việt Nam.
Trong bài diễn văn dài 27 phút, Tổng thống Obama bày tỏ sự ngưỡng mộ tinh thần Việt, văn hóa Việt qua sự thông thạo các địa danh và nhân kiệt Việt Nam, mà ngay đến nhiều người Việt có lẽ cũng không am tường. Ông phát biểu, không phải như người Mỹ nói với người Việt, không phải “đãi bôi” như khách với chủ nhà, mà như bạn bè thân thiết với nhau: “Các bạn có những địa danh xinh đẹp như Hạ Long, Sơn Đoòng. Các bạn hãy phát huy vẻ đẹp của nó và cố gắng gìn giữ cho con cháu...”. Làm sao không ngỡ ngàng khi những lời nói đầy tính nhân văn, xây dựng đó được phát ra từ chủ nhân của một kho vũ khí hạt nhân có khả năng xé rách hoặc làm tan tành trái đất?
Ông nhắc đến nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn trong câu chuyện. Ông đọc thơ của Nguyễn Du và Lý Thường Kiệt dẫn chứng cho sự yêu tự do, yêu độc lập của người Việt. Vì sao ông nhắc đến những tên tuổi này? Thật thú vị khi hiểu ra “ngầm ý” của vị tổng thống quyền lực nhất thế giới: Bên cạnh bài Tiến quân ca quyết liệt, hùng tráng được chọn làm quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao còn là tác giả của những ca khúc lãng mạn Thiên thai, Suối mơ...; bên cạnh bài Nối vòng tay lớn thúc đẩy sự đoàn kết, vùng dậy mà đến nước ngoài cũng thuộc cũng biết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn cả một gia tài đồ sộ về nhạc tình yêu, yêu người, yêu đời, yêu quê hương, đất nước... Và vì sao câu thơ của Nguyễn Du, của Lý Thường Kiệt được ông Obama trích dẫn? Đơn giản vì Nguyễn Du là đại văn hào của Việt Nam như Ernest Hemingway là đại văn hào của Mỹ. Dù không được giải Nobel như Hemingway nhưng Nguyễn Du là thi bá đầu tiên của Việt Nam có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Vì Lý Thường Kiệt không chỉ là vị tướng ngoài 70 tuổi còn cầm quân đánh giặc Tống, mà còn là tác giả của “bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của Việt Nam: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư ...” (Sông núi nước Nam vua Nam ở)...
Khi nêu ra những danh nhân Việt Nam tiêu biểu này, Tổng thống Obama đã “bộc lộ” rõ tính cách của mình: Chuộng hiền hòa, thích công bằng, ưa hòa đồng, yêu vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn con người... Và chính tính cách này đã làm nên phong cách lãnh đạo của ông Obama. Trong 2 nhiệm kỳ làm tổng thống, ông đã làm được nhiều việc ngoạn mục: Triệt thoái lính Mỹ ra khỏi Iraq, Afghanistan; bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn nửa thế kỷ cấm vận...
Ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ ba đến Việt Nam (sau Tổng thống Bill Clinton năm 1995 và George W. Bush năm 2006), cũng là người để lại nhiều ấn tượng, nhiều thiện cảm cho người dân Việt qua các cam kết với Chính phủ Việt Nam và qua sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa Việt. Người dân Việt Nam thực sự cảm động và cảm kích khi cách nửa vòng trái đất, nguyên thủ của một nước lớn trong khối công việc đối nội, đối ngoại bộn bề hằng ngày, căng thẳng đầu óc với các vấn đề ngoại giao, giải trừ vũ khí hạt nhân hoặc chiến thuật, chiến lược chống khủng bố, vẫn minh thị và khúc chiết về sinh hoạt, tập quán của nước mình, tường tận đến cả cây tre “đa chức năng” vốn chỉ hiện diện tại các vùng quê nước Việt.
Nguyên Nghi
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065