>> Bài 1: Nút thắt trình độ và nhận thức
DÙNG CHƯA “KHÉO” VÀ “ĐÚNG” CÁN BỘ Ở VÙNG ĐẶC THÙ
BP - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nhưng hiện ở vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều cán bộ chưa thể hiện được vai trò kết nối dẫn đến hạn chế về công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Từ đó cũng thấy rằng, cán bộ cơ sở chưa được sử dụng “khéo” và “đúng”. Đây là nút thắt không thể bỏ qua trong công tác phát triển đảng viên người DTTS.
Nguồn tại chỗ chưa đủ mạnh
Muốn phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS, hòa nhập với sự phát triển chung của cả nước thì cần nhất vẫn là chú trọng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ người DTTS nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, áp dụng tốt chuyên môn. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động người DTTS hiện làm việc tại cơ quan, đoàn thể các cấp trong tỉnh là 1.340 người. Trong đó, cấp tỉnh 276, cấp huyện 799 và cấp xã 265 người, chiếm khoảng 6% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh. Chiếu theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời kỳ mới thì người DTTS chiếm tỷ lệ rất thấp.
Công an xã Đức Liễu (Bù Đăng) cùng Ban điều hành thôn 4 bàn giải pháp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn và công tác phát triển đảng viên DTTS
Để củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở thì cần kiên quyết khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của một số cán bộ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ. Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS, khắc phục tình trạng cơ sở “trắng” tổ chức đảng và đảng viên.
Hệ thống trường dân tộc nội trú từng bước phát triển là bước đầu khuyến khích đồng bào DTTS nâng cao trình độ, học thức. Nhưng 11 huyện, thị xã của tỉnh chỉ có 6 trường (Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Bù Đốp đang xây dựng) vẫn là ít. Vì không đủ cơ sở vật chất nên chỉ tiếp nhận học sinh khá, giỏi vào học cũng làm mất đi cơ hội học tập của nhiều học sinh DTTS. Thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 của Chính phủ, từ năm 2006-2017, tỉnh cử tuyển được 828 em học tại các trường cao đẳng, đại học, trung cấp trong và ngoài tỉnh. Trong số 252 em tốt nghiệp vẫn còn 30 em chưa bố trí được công việc. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí cho sinh viên DTTS, sinh viên DTTS hộ nghèo, cận nghèo không thuộc diện cử tuyển giai đoạn 2009-2017 gần 3 tỷ đồng. Vì vậy để lãng phí nguồn đào tạo này thật đáng tiếc. Hơn lúc nào hết vùng sâu, xa, vùng tập trung đồng bào DTTS rất cần những cán bộ có trình độ học vấn cao.
Cán bộ tăng cường tại cơ sở: Được và chưa được
Hiện nay, hỗ trợ đắc lực nhất cho công tác phát triển đảng, giúp tăng số lượng, nâng cao chất lượng cán bộ đảng viên người DTTS phải kể đến lực lượng đảng viên bộ đội biên phòng được tăng cường về cơ sở. Mỗi đảng viên được phân công ở các địa bàn xã khó khăn, đặc biệt khó khăn đã chủ động và tích cực phối hợp già làng, trưởng thôn, lão thành cách mạng, người có uy tín tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chấp hành tốt pháp luật.
Từ khi Bình Phước tái lập đến nay, Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức 6.235 buổi tuyên truyền với 155.875 lượt người tham dự. Đặc biệt, tại 3 huyện biên giới Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng đã điều động 13 cán bộ tăng cường về 13 xã biên giới, 10 quân y tăng cường cho 10 xã khó khăn, giới thiệu 138 cán bộ cơ sở tham gia sinh hoạt chi bộ ở thôn, ấp. Đến nay còn duy trì 11 cán bộ tăng cường cho 11 xã biên giới, 3 quân y và 96 đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, ấp. Song song đó, xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh với 3 huyện biên giới. Hằng năm, 15 đồn biên phòng ký kết quy chế phối hợp với 15 xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh còn xét chọn con em đồng bào DTTS có trình độ, nguyện vọng tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự gửi đi đào tạo ở các trường trong và ngoài quân đội. Hiện nay, trong lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh có 18 sĩ quan, 17 quân nhân chuyên nghiệp, 26 hạ sĩ quan - binh sĩ người DTTS.
Nhằm hỗ trợ thực hiện hoàn chỉnh chính sách dân tộc, tỉnh đã ban hành một số chính sách đặc thù như: Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 14-1-2014 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ nhà ở cho các hộ thuộc dự án định canh, định cư. Ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/hộ; 6 tháng lương thực cho hộ được cấp đất sản xuất 10kg gạo/người/tháng; hỗ trợ cho sinh viên DTTS hộ nghèo, cận nghèo không thuộc diện cử tuyển 40% mức lương cơ bản/tháng/10 tháng học; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; 1,2 triệu đồng/năm tiền xăng cho người có uy tín thực hiện tuyên truyền pháp luật, cấp bản tin tới người DTTS.
Thực hiện chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với 15 sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các chính sách và phát triển lực lượng nòng cốt là người DTTS thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Nhưng cán bộ người DTTS nhiều nơi còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng khiến công tác phát triển đảng viên người DTTS càng gian nan. Ông Ma ly Phước, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết. |
Là người DTTS, nhiều năm lăn lộn tìm hiểu đời sống cũng như thực hiện chính sách dành cho người DTTS, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Điểu Điều cho rằng: “Đội ngũ cán bộ ở vùng DTTS nhìn chung thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là năng lực quản lý kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu lực, hiệu quả của việc thi hành chính sách. Công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS chưa được quan tâm đúng mức. Một số chính sách đối với cán bộ vùng đồng bào DTTS còn bất cập, chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân tộc ở một số cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và của nhiều cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ nên thực hiện nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu. Một số đồng bào DTTS vẫn bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, kích động tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp gây mất an ninh trật tự xã hội. Bộ phận khác trong đồng bào DTTS lại bị kẻ xấu lừa gạt, chiếm đoạt tài sản, quyền sử dụng đất”.
Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 31-8-2016 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác dân vận của hệ thống chính trị chỉ rõ những hạn chế: “Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có lúc làm chưa tốt, phương pháp tập hợp quần chúng hiệu quả không cao, chưa đạt chỉ tiêu kết nạp đoàn viên, hội viên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra. Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế”.
Với thực tiễn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, năng lực tư duy, lý luận của đội ngũ cán bộ người DTTS cần phải được trau dồi, rèn luyện thường xuyên và phải thông qua hoạt động thực tiễn ở cơ sở để rèn luyện, biến tri thức và phương pháp tư duy thành sức mạnh vật chất. Chỉ có như thế mới tạo ra cho đội ngũ cán bộ người DTTS thói quen tư duy khoa học, tính linh hoạt, nhạy cảm, chính xác trong suy nghĩ và hành động. Song song đó không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Vì đây là tiền đề đóng vai trò hạt nhân quyết định hình thành, tồn tại và biến đổi ý thức của con người. Sự thay đổi của hoàn cảnh sống tất yếu sẽ dẫn đến biến đổi đời sống tinh thần của xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS cũng là một trong những việc cần đạt được trong sự nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065