BP - Mấy ngày qua, nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải cái gọi là di chúc của linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý. Mở đầu di chúc, Nguyễn Văn Lý viết: Tôi là linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, sinh ngày 31-8-1947, rửa tội ngày 2-9-1947, linh mục ngày 30-4-1974. Tôi ghi di chúc này theo truyền thống của Hội Thánh Công giáo, mỗi năm linh mục cần viết di chúc để trình bày những vấn đề liên quan đến việc hậu sự... Tiếp đó, ông ta viết: Xin Chúa và mọi người tha thứ tất cả lỗi lầm của con do chưa sống xứng đáng đời một tín hữu Công giáo... Dưới chân mộ, xin ghi: Đời con là một chuỗi ngày thiếu sót với Chúa và với mọi người. Xin tha thứ.
Vâng, với lời thú tội trước khi về với Chúa của Nguyễn Văn Lý như nêu trên quả là không hề sai. Xét về góc độ những thiếu sót của Nguyễn Văn Lý đối với Chúa thì tất thảy những người theo đạo Công giáo ở Việt Nam đều thấy rất rõ. Bởi tại Điều 9 trong “Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam” ghi rõ trách nhiệm đường hướng mục vụ của Hội thánh là trong lòng dân tộc, gắn bó với dân tộc Việt Nam, với nội dung như sau: Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước...Sự gắn bó hòa mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính: Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.
Với gần 70 năm được sinh ra làm người, Nguyễn Văn Lý có 43 năm làm linh mục, nhưng trong đó ông ta có tới 5 lần vào tù với tổng thời gian thụ án 22 năm và 7 lần bị quản chế với thời gian 17 năm. Đó là cái giá mà ông ta đã phải trả cho các hành vi “chống phá cách mạng”, “gây rối trật tự xã hội”, “phá hoại chính sách đoàn kết”, “không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc quản chế hành chính”, “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. |
Cũng trong Thư chung này, tại Điều 10, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, với nội dung như sau: Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm,... Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.
Tại Mục 1, Nơi thánh, bộ Giáo Luật, Điều 1220 ghi rõ “Việc chăm lo gìn giữ các nhà thờ sạch sẽ và mỹ quan, xứng đáng là nhà Thiên chúa và loại bỏ những gì không thích hợp với sự thánh thiện của nhà thờ thuộc về tất cả những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ”. Giáo luật quy định là vậy, nhưng Nguyễn Văn Lý cố tình làm trái, vì ông ta đã sử dụng nhà thờ làm nơi tập hợp những phần tử phản động, chống đối chính quyền và là nơi soạn thảo các tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước.
Xét về những thiếu sót của Nguyễn Văn Lý đối với mọi người thì quả là không ai có thể phủ nhận. Bởi theo tài liệu Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế thì gần như suốt cuộc đời mình từ khi được truyền chức linh mục (1974), Nguyễn Văn Lý đã xa rời con đường hành đạo chân chính, lợi dụng chiếc áo của nhà tu hành để tham gia nhiều hoạt động chống phá chính quyền nhân dân, tuyên truyền và phát tán những tài liệu chống lại Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, tháng 9-1977, nghĩa là 2 năm sau ngày đất nước được giải phóng, Nguyễn Văn Lý đã lớn giọng công khai vu cáo, lên án chính quyền Việt Nam “chủ trương tiêu diệt tôn giáo”. Với hành động này, Nguyễn Văn Lý bị bắt và kết án 20 năm tù với tội danh “chống phá cách mạng”. Một năm sau, tháng 7-1978, Tòa Tổng giám mục Huế chấp nhận với chính quyền tỉnh Thừa Thiên sẽ không để Nguyễn Văn Lý làm mục vụ và xin cho ông ta được trả tự do. Tuy nhiên, sau đó Tòa Tổng giám mục Huế đã bội ước nên ngay sau ra tù, Nguyễn Văn Lý đã thành lập lực lượng tự vệ công giáo, bắc loa phóng thanh từ nhà thờ công khai kêu gọi giáo dân chống nhà nước. Vì những hành vi nêu trên, tháng 5-1983, Nguyễn Văn Lý lại bị bắt và bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết án 10 năm tù và 4 năm quản chế với tội danh “gây rối trật tự xã hội”. Được ân xá giảm án ra tù trước thời hạn, nhưng không bao lâu sau, ngày 19-10-2001, Nguyễn Văn Lý lại bị Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án phạt 15 năm tù giam, 5 năm quản chế tại địa phương nơi cư trú về hai tội “phá hoại chính sách đoàn kết” và “không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc quản chế hành chính”.
Tháng 2-2005, Nguyễn Văn Lý được giảm án và được đặc xá. Ngày 8-4-2006, Nguyễn Văn Lý đã thành lập “Khối 8406”; sau đó công bố “Tuyên bố nhân dịp đảng Thăng Tiến Việt Nam công bố tự thành lập tại Việt Nam ngày 8-9-2006” và cùng với một số kẻ phản động biên soạn nhiều tài liệu có nội dung chống lại chính quyền, kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2007. Ngày 30-3-2007, tại Huế, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Lý về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và tuyên phạt 8 năm tù giam, 5 năm quản chế tại nơi cư trú sau khi mãn hạn tù. Ngày 20-5-2016, Nguyễn Văn Lý được trả tự do, trở về cư ngụ và chịu sự quản chế tại Tòa giám mục Huế. Tuy nhiên, vẫn với thói ngựa quen đường cũ, vừa ra tù, Nguyễn Văn Lý lại đứng ra kết nối, thành lập “Tập hợp Quốc dân Việt”, rồi đăng đàn mạng xã hội kêu gọi “toàn thể Quốc Dân Việt biểu tình”.
Sau hai lần vận động biểu tình nhưng thất bại ê chề vào các ngày 5-3 và 12-3, từ nhà Chung Huế, Nguyễn Văn Lý tiếp tục có lời kêu gọi “toàn thể Quốc Dân Việt tiếp tục biểu tình”. Phản động hơn, ở lần kêu gọi biểu tình thứ 3 này, Nguyễn Văn Lý đã chủ động hướng dẫn cách thức để chống “an ninh đàn áp”. Theo đó, Nguyễn Văn Lý công khai kích động giáo dân rằng: “bà con không cần đồng loạt xuống đường mà hãy chia ra thành từng nhóm nhỏ hoặc từng cá nhân thay phiên nhau biểu tình, biểu tình; bất cứ nơi nào có thể và tùy theo sáng kiến của từng nhóm, từng cá nhân”. Nhưng lần này Nguyễn Văn Lý cũng lại tiếp tục thất bại.
Như vậy, với chúa Kitô và với tất cả mọi người dân Việt Nam dù theo hay không theo đạo Công giáo thì Nguyễn Văn Lý cũng là kẻ có tội đầy mình. Nhưng những dòng chữ trong cái gọi là di chúc của ông ta xin đừng ai tin rằng đó là lời hối hận của một kẻ sắp về với Chúa? Mà đó chỉ là những giọt nước mắt cá sấu của Nguyễn Văn Lý mà thôi. Bởi bản chất phản động của Nguyễn Văn Lý là “ngựa quen đường cũ”. Và cũng thật đáng buồn cho Nguyễn Văn Lý, một người được ăn học, đã trở thành linh mục mà lại không hiểu được câu thành ngữ: Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Vì nếu hiểu được câu này, chắc ông ta chẳng bao giờ hành động như vậy.
Thanh Hải
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065