BPO - Sau những ngày khô hạn kéo dài, nên những cơn mưa đầu mùa luôn được mong đợi. Mưa sẽ giúp làm giảm bớt cái oi bức ở Bình Phước - nơi được ví như chảo lửa của miền Đông Nam bộ. Nhưng trên hết, mưa sẽ giúp hàng trăm, hàng ngàn héc ta cây trồng đang héo rũ có cơ hội hồi sinh, giúp người nông dân cứu sống diện tích cây trồng đang đứng trước nguy cơ chết khô.
Không chỉ tỉnh ở trung du miền núi như Bình Phước mới thiếu nước, mà khô hạn khốc liệt cũng đã diễn ra ở miền Tây Nam bộ. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” - đó không chỉ là kinh nghiệm, mà còn là những điều kiện cần của quá trình sản xuất nông nghiệp. Chúng ta không thể so sánh với Israel, với một nền nông nghiệp hiện đại, dù phần lớn diện tích là sa mạc. Tuy nhiên, từ cách làm của đất nước này, liệu chúng ta có thể thay đổi cách làm của mình trong sản xuất nông nghiệp được không?
Trong những ngày khô hạn, cây trồng thiếu nước tưới, cách làm của nông dân ở nhiều huyện, thị xã trong tỉnh không gì khác hơn ngoài khoan thêm giếng. Có không ít hộ phải khoan từ 5-7 giếng, nhưng cũng không tìm đâu ra nước. Thế mới biết nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận! Nhưng trong thực tế thì không ít nơi đang sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên này. Hiện Việt Nam có khoảng 2.372 con sông lớn, nhỏ và cùng với đó là rất nhiều hồ tự nhiên, đầm phá, vực nước. Cả nước cũng có hàng ngàn hồ đập nhân tạo với tổng sức chứa lên đến 26 tỷ mét khối nước. Thế nhưng, nghịch lý là những năm gần đây, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước sạch. Thực trạng này xuất phát từ việc thất thoát nước trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc khai thác bừa bãi, thiếu kiểm soát nguồn nước ngầm đang gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên này...
Không chỉ lãng phí trong sử dụng nước, khai thác nước ngầm vô tội vạ, mà chúng ta còn bạt núi, xẻ đồi xây dựng các công trình; sẵn sàng phá rừng để xây dựng thủy điện. Theo đánh giá của các chuyên gia, cứ 1MW thủy điện sẽ đánh đổi bằng 10 ha rừng; đồng nghĩa với việc có công trình thủy điện mọc lên là hàng ngàn héc ta rừng nằm xuống... Và mọi sự tác động đến thiên nhiên, đến môi trường đều để lại những hậu quả khó lường. Đó là hạn hán, mưa lốc, bão lũ, biến đổi khí hậu và kéo theo đó là nhiều loại dịch bệnh bùng phát trên cây trồng, rồi trái đất nóng dần lên, ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng... Tất cả đều là hậu quả của việc chúng ta không nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.
Trở lại với câu hỏi liệu chúng ta có thể thay đổi cách làm của mình trong sản xuất nông nghiệp được không? Và câu trả lời là hoàn toàn có thể. Đó là, thay vì trông chờ vào nước ngầm, một số nhà vườn ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã đào ao, tủ bạt ni-lon trữ nước mưa để dành tưới cây trong mùa khô hạn. Đó là cách làm không mới, nhưng tại sao nhiều nhà vườn ở Bình Phước không làm? Mà để khi đến mùa khô thiếu nước tưới cho cây trồng lại cuống cuồng khoan giếng...
Xin hãy nhớ rằng nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận để từ đó có cách làm phù hợp. Hôm nay, cả thế giới kỷ niệm Ngày trái đất. “Thế giới cần bạn và những hành động của bạn” là thông điệp chính của Ngày trái đất năm 2020 gửi đến toàn thế giới.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065