Người nhỏ thó, nặng chưa tới 40kg, bị liệt hai chân nhưng nữ sinh Nguyễn Thị Hoàng Diệu vẫn hằng ngày đến trường.
CHƯA BAO GIỜ NGUÔI ƯỚC MƠ
Nguyễn Thị Hoàng Diệu sinh năm 1992. Chào đời, Diệu cũng bình thường, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi lên ba tuổi, ở nhà với bà, Diệu đã lao ra đường chơi. Một chiếc xe tải chạy tới đã cán lên đôi chân bé nhỏ của em.
Mẹ là đôi chân cho Diệu tới trường
Ba mẹ Diệu đã bán hết vườn rẫy để chạy chữa cho em. Diệu đã đi khắp các bệnh viện, từ thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội nhưng các bác sĩ kết luận Diệu đã bị hư tủy dẫn đến liệt hai chân không thể chữa trị.
Diệu tâm sự: “Ba mẹ đã không tiếc công sức, tiền bạc để chạy chữa nên em thấy mình càng phải nỗ lực học tập, vươn lên, đền đáp một phần công ơn trời biển ấy... Nhiều lúc em khóc thầm trước hoàn cảnh của mình. Nhưng rồi nhìn ba mẹ vất vả mà vẫn động viên con, em lại tự nhủ, mình thiệt thòi nhưng không được buông xuôi. Phải nỗ lực học để sau này sống tự lập, cha mẹ bớt lo âu, phiền muộn”. Vì thế, Diệu đã miệt mài đến trường không kể nắng, mưa. Từ lớp 1 đến lớp 12, em luôn đạt học sinh khá, giỏi.
Học xong lớp 12 ở Đắk Nông, Diệu đã thi vào ngành Dược của trường Trung cấp y tế Bình Phước. Hiện em đang học lớp dược sĩ K10C, khóa 2011-2013. Lý giải về việc chọn trường, Diệu cho biết: “Bị bại liệt như em không thể làm việc ở các cơ quan, công sở. Nhưng với tấm bằng dược sau khi học, em có thể mở tiệm thuốc tự bán. Như vậy, ba mẹ sẽ không còn phải lo lắng cho tương lai của em”.
MẸ LÀ ĐÔI CHÂN CHO EM TỚI TRƯỜNG
Suốt thời học sinh, thỉnh thoảng em được bạn bè cõng tới trường, còn hầu hết được ba mẹ thay phiên nhau làm đôi chân cho em. Từ khi Diệu đến Bình Phước học, mẹ đã đi cùng. Hai mẹ con thuê nhà trọ cạnh trường để tiện đi lại. Hằng ngày, chị Đặng Thị Kim Oanh cõng con đến lớp rồi về phụ bán quán cơm ở gần cổng trường để kiếm tiền. Nhà Diệu nghèo, sau Diệu còn 3 em trai nên ba Diệu phải làm đủ nghề, ai thuê gì làm nấy.
Mỗi khi tan học Diệu nhá máy điện thoại để mẹ đến cõng em về. Nhiều lần như thế, chủ quán cơm không hài lòng, tỏ thái độ khó chịu. Mẹ Diệu đành xin nghỉ việc, rồi nhận hạt điều về phòng trọ bóc vỏ lụa. Những ngày học một buổi, Diệu cũng về phụ mẹ. Ráng cật lực, hai mẹ con cũng kiếm gần 100 ngàn đồng mỗi ngày. Chị Oanh chia sẻ: “Tằn tiện, mẹ con cũng tạm sống qua ngày. Nhiều lúc thương con nhỏ thó mà chẳng được bồi dưỡng, nhưng vì hoàn cảnh đành cam chịu...”.
Tháng 10 năm nay Diệu sẽ tốt nghiệp. Chị Oanh kể: “Có những hôm đưa Diệu đi thi, cõng lên tới tầng 3, ngồi thở bằng... tai. Chờ hết 45 phút thi xong lại cõng con xuống. Tuy mệt nhưng thấy con từng bước tiến dần tới đích, tôi mừng lắm!”.
Đích đến của Diệu đang tới gần. Em đang nỗ lực để vươn tới. Gần hai năm qua, nghị lực, sự hiếu học của cô bé tật nguyền là hình ảnh mà thầy cô, bạn bè ở trường Trung cấp y tế Bình Phước nhớ đến và mến phục.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065