NỐI TIẾP TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ BẾN TRE
Bà Hai kể: “Nhà tôi ở ấp 3, xã Bình Hòa, cách vùng giải phóng là xã Lương Hòa khoảng 7km, lại giáp thị trấn Vàm Trôm nên cả quân ta và địch xem là vùng trọng yếu. Địch lập nhiều đồn canh như Vàm Cống, Nghĩa Tự; ta cử cán bộ về nằm vùng. Ba hoạt động gần nhà nên tôi hiểu được sự vất vả, hiểm nguy luôn rình rập bộ đội nằm vùng. Vì thế, từ năm lên 10, tôi đã đi đưa cơm nuôi giấu bộ đội, báo tin tức hoạt động của địch. Tôi còn nhỏ nên địch không nghi ngờ”.
Tháng 1-1971, có 3 cán bộ đến nhà tin tưởng giao nhiệm vụ nằm vùng tại chỗ cho bà Hai. Lúc đó, chú Hai Trung (tên thật Võ Văn Tống, nay sinh sống tại ấp 3, xã Bình Hòa), điểm tổ trưởng phụ trách ấp 3, tổ chức cho bà Hai theo dõi tình hình địch từ ngã tư Bình Chánh tới trục lộ giao thông đồn Vàm Cống. Bản tính gan dạ, thông minh, nhanh nhẹn nên bà có nhiều cách khai thác thông tin từ lính ngụy. Vừa lân la làm quen lính gác vừa hỏi những câu bâng quơ giúp bà nắm vững quân số, tình hình địch và lịch đi tuần của chúng.
Nữ du kích năm xưa Bùi Thị Hai kể lại những kỷ niệm hoạt động bí mật
Bà kể tiếp: “Gặp chúng, tôi hỏi “Ủa, tôi thấy nay đồn chỉ có hai người?” - “Đâu, mười mấy hai chục lận”. “Ủa, nay trưởng đồn là ông này hả?” - “Đâu, ông khác rồi”... Để tránh địch nghi ngờ việc đi lại nhiều lần trong ngày, bà xin mẹ đi học may trên huyện, cách nhà 4km, đoạn đường do bà Hai phụ trách cũng trên tuyến đường đi học may. Nhờ hoạt động bí mật, an toàn, hiệu quả, bà Hai được Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa chỉ đạo phục vụ cho du kích đánh địch lúc về đồn Nghĩa Tự vào tháng 4-1971. Và ngày 21-6 năm đó bà Hai được kết nạp đoàn.
Trưởng thành trong đoàn, bà đảm trách nhiều nhiệm vụ: Vừa theo dõi tình hình địch vừa đánh mìn và dẫn dắt bộ đội về sâu trong xã, thị trấn. Các thông tin dò thám được bà giấu tại một bụi chuối gần nhà. Việc dẫn quân sang sông Bình Chánh cũng được bà Hai đảm bảo tuyệt đối bằng cách đi đò sang sông kiểm tra động tĩnh trước. Nếu qua sông và đi tiếp một đoạn không thấy động thì quay lại đò, quơ quơ chiếc nón như vờ quạt mát báo hiệu an toàn để người của ta sang sông. Nếu có động, bà đi thẳng lên thị trấn, chưa vội quay lại nhằm đảm bảo an toàn và báo hiệu bộ đội không qua sông.
Bà Hai còn nhớ như in ngày bị địch phát hiện: “Tháng 6-1972, địch cảnh giác hơn, nên ta rất khó đánh mìn vào ban ngày. Ngày 14-11, sau khi đánh mìn tiêu diệt được 2 tên, làm bị thương 2 tên, tôi trở lại đò để chèo ngược kênh lên phía trên đồn, tránh đạn địch từ trên lô bắn về phía có mìn nổ. Nhưng ai đó đã thả đò trôi, do thấy đò trên kênh vướng víu việc họ chèo đò đi lại. Tôi chạy tạt lên lộ vì đứng dưới sẽ bị bắt ngay. 4 ngày sau địch tới nhà bắt tôi. Chúng giam và tra tấn 3 tháng nhưng không khai thác được gì đành thả. Về nhà tôi tiếp tục làm du kích. Bởi đòn roi không thể làm lung lay ý chí cách mạng của bao người con Bến Tre từ trước đến nay”.
“BỘ ĐỘI ĐƯA CHO TÔI THỨ MÌN HAY LẮM”
Ra khỏi nhà giam, việc đi trình diện ở xã, huyện, chi cảnh sát... cũng khiến bà Hai vui. Bởi “trình diện đầy đủ khiến địch chủ quan không nghi ngờ, theo dõi nên mình hoạt động tốt hơn”. Đồng thời, tránh địch để ý, bà hạn chế đi ra ngoài mà thay vào đó là phân công công việc với 2 du kích trong tổ. Đến năm 1973, bà lấy chồng. Việc lấy chồng cũng có phần xuất phát từ mục đích giảm sự nghi ngờ của địch xuống mức thấp nhất. Bên cạnh chồng là nhân dân tự vệ, thường bị địch bắt đi gác đêm tại các đồn đã tạo điều kiện cho bà Hai đi lại dò thám, dẫn dắt bộ đội vào sâu trong xã và tổ chức các cuộc họp kín.
Mang thai, những ngày gần sinh, bà Hai lấy làm lý do hoạt động mạnh hơn. “Đi đâu?” - “Tôi đi sanh”. Đến khi thấy “đi sanh” nhiều lần mà chưa xong, chúng hỏi: “Sao đi sanh nhiều lần thế?” - “Đâu biết, đau lúc nào thì đi lúc đó”... Nhà sanh trên huyện, thường xuyên qua các đồn giúp bà Hai biết địch kéo bao nhiêu rào qua đường lộ mỗi đêm, lịch tuần và điểm địch thường mật phục rồi báo lại cho tổ chức. Công việc du kích cứ vậy tiếp diễn đến năm 1975 khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
Nay tuổi cao, những vết tra tấn còn in hằn trên xương thịt vẫn gây nhức mỗi khi động trời nhưng bà Hai thấy hạnh phúc bởi năm tháng hoạt động cách mạng của mình. Niềm tự hào còn mãi trong lòng bà là những lúc đi đánh mìn. Không bởi công việc hoàn thành mà vì “Bộ đội đưa cho tôi thứ mìn hay lắm, dáng cong như quạt mo. Người đi đánh chỉ cần đứng phía lõm, khi mìn nổ chỉ nghe cái “rắc”, đứng ngay cạnh cũng không bị thương. Nhưng địch đi qua thì bị thương hoặc chết. Đến bây giờ tôi vẫn không hết bồi hồi khi nhớ lại cách đánh mìn ngày trước” - bà Hai nói.
Cẩm Thơ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065