Cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được thực hiện trong 10 năm, từ 2011 đến 2020 nhằm bảo đảm những quyền lợi thiết yếu đối với nông dân trong tất cả các vùng nông thôn. Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Định dạng trong chương trình nông thôn mới không chỉ dừng lại ở mục tiêu tăng mức thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân mà phải là sự thay đổi lớn, toàn diện đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bởi vậy nông thôn mới phải là “ngôi nhà chung” của người dân và để thực hiện chương trình này cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
KINH NGHIỆM TỪ MÔ HÌNH ĐIỂM
Năm 2012 và những năm tiếp theo được xác định là giai đoạn triển khai xây dựng nông thôn mới trên diện rộng. Mục tiêu của chương trình đến năm 2015 là có 20% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, riêng 11 xã của chương trình thí điểm sẽ đạt tất cả các tiêu chí vào năm 2013. Cả nước phấn đấu trên 90% số xã được phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới; hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát. Tỉnh Bình Phước là địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ, do đó thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy định trong 19 tiêu chí chung là khá cao. Cụ thể về tiêu chí giao thông, 1 xã thuộc khu vực Đông Nam bộ phải đạt 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; về hộ nghèo, xã vùng Đông Nam bộ phải đạt tiêu chuẩn tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%... Năm 2012, tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở 20 xã, hiện đang từng bước hoàn thành việc lập quy hoạch. Những kinh nghiệm và bài học từ việc xây dựng nông thôn mới ở xã điểm Tân Lập (Đồng Phú) là rất thiết thực. Trong quá trình triển khai, xã Tân Lập đã huy động mọi nguồn lực và khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và đảm bảo sự bền vững môi trường. Do đó, sau 2 năm Tân Lập đã đạt được 13/19 tiêu chí quốc gia, trong đó, các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, bưu điện, môi trường đều đạt tỷ lệ trên 90%. Tân Lập phấn đấu sẽ hoàn thành 19 chỉ tiêu vào cuối năm 2012.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã cơ bản rà soát, đánh giá hiện trạng các xã nông thôn. Ngoài Tân Lập, toàn tỉnh có 1 xã đạt 10 tiêu chí là Bom Bo (Bù Đăng), 61 xã đạt từ 1 đến 5 tiêu chí, 27 xã đạt 5-9 tiêu chí và có 2 xã chưa đạt tiêu chí nào là Đức Hạnh và Phú Trung (Bù Gia Mập).
Tổng kết xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã điểm Tân Lập, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, có giá trị thực tiễn lớn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... Đó là phải đặt công tác tuyên truyền lên vị trí hàng đầu để người dân cùng đồng thuận vào cuộc với Nhà nước. Kinh nghiệm thứ hai là luôn phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch... trên tinh thần dân chủ trong mọi hoạt động của chương trình để người dân khẳng định và thể hiện quyền làm chủ của mình trong suốt tiến trình xây dựng nông thôn mới. Khi làm được điều này thì không những khẳng định rõ vai trò chủ thể của nông dân mà còn làm tốt được việc huy động mọi nguồn lực của người dân cho chương trình. Thực tiễn cho thấy nơi nào không khơi dậy, huy động và phát huy tốt mọi nguồn lực trong dân, thì không thể đạt được những tiêu chí đã đưa ra, nhất là về xây dựng hạ tầng nông thôn. Theo ông Bùi Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập thì tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của xã hiện nay còn cao nên vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động còn chậm. Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân còn hạn chế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần phải được tuyên truyền thường xuyên. Đây cũng là điểm khó khăn chung của các xã nông thôn trong tỉnh, nhất là ở các xã triển khai thực hiện trong năm 2012.
MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Từ thực tiễn cho thấy, ưu tiên số một nhằm thực hiện Chương trình nông thôn mới là đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân nhận thức đây là việc của chính họ, nông thôn mới phải là ngôi nhà chung của người dân. Do vậy, công tác chỉ đạo triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần được đổi mới tư duy, cách làm nhằm nâng cao hiệu quả, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực, trực tiếp thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao đời sống người dân. Sau giai đoạn thí điểm, đã có thể định hình được mô hình, bộ mặt của nông thôn mới, cần tạo ra những mô hình sản xuất mới và tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để thực sự ổn định bền vững. Xây dựng nông thôn mới là chương trình dài hạn, mục tiêu xây dựng là bền vững chứ không phải chỉ là thí điểm để tham quan. Do vậy các tiêu chí thực hiện cũng cần bình tĩnh để xem xét, phải có thời gian mới đạt được chứ không được nóng vội và làm theo kiểu “chạy theo thành tích”.
Năm 2012, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng tỉnh Bình Phước coi chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tỉnh phấn đấu hoàn thành công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, đồng thời chuyển giao các mô hình sản xuất đến các xã điểm để nông dân nâng cao thu nhập. UBND tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ, củng cố các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã điểm; đồng thời thúc đẩy việc đào tạo nghề trong nông thôn, tiếp tục hoàn thiện các câu lạc bộ về trồng trọt, chăn nuôi. Đối với các công trình xây dựng, tỉnh chủ trương thực hiện từ các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu, bao gồm chương trình kiên cố hóa trường học, nước sạch vệ sinh môi trường, thủy lợi, đầu tư xây dựng các trạm y tế đạt chuẩn, đồng thời huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp và sự tham gia của người dân để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065