TẬN DỤNG LỢI THẾ
Ngoài chợ công lập được xây dựng từ năm 2002 đến nay vẫn hoạt động tốt, bảo đảm đúng tiêu chí chương trình đề ra, xã cũng đã xóa toàn bộ nhà tranh, tre, nứa, lá vào năm 2007 và 100% hộ dân đều đã có nhà ở kiên cố và bán kiên cố. Hai hồ chứa thủy lợi với diện tích trên 30 ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân... Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Hiện xã đã đề xuất Ban chỉ đạo chương trình NTM huyện xem xét công nhận các tiêu chí thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và môi trường. Thực tế thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện gần bằng chỉ tiêu chương trình đề ra (25 triệu đồng/người/năm). Trong khi trên 95% số hộ dân có đất sản xuất nên tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên cao. Nhiều gia đình còn có thành viên làm công nhân cao su hoặc đi làm công cho các hộ dân trên địa bàn với mức thu nhập ổn định nên dự kiến tiêu chí thu nhập sẽ đạt và vượt chỉ tiêu trong năm nay. Còn tiêu chí môi trường, hằng ngày đội vệ sinh của Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm thu gom rác trong chợ và các tuyến đường trung tâm đưa về bãi rác của xã tại thôn Sơn Lợi. Mặt khác, huyện cũng dự kiến quy hoạch bãi rác tập trung cho 3 xã Thọ Sơn, Minh Hưng, Đoàn Kết và thị trấn Đức Phong.
Gia đình anh Điểu Nghĩa ở thôn Sơn Hòa 1 trước đây chỉ trồng lá nhíp để ăn, nhưng giờ lại tạo cho gia đình có thêm thu nhập
Thực hiện chương trình NTM, người dân trong xã đã ý thức hơn trong phát triển sản xuất để nâng cao đời sống, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình anh Điểu Minh Día ở thôn Sơn Hòa 2 có 5 ha điều và 1 ha cà phê. Do điều trồng bằng hạt lại phó mặc cho thời tiết nên năng suất không cao, còn cà phê trồng giống thực sinh và không đầu tư chăm sóc nên năng suất kém. Vụ thu hoạch vừa qua, giá hạt điều cao nhưng gia đình anh chỉ thu được 200 triệu đồng và trên 50 triệu đồng từ cà phê. Anh Día cho hay: Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng - vật nuôi, tôi rất tâm đắc. Gia đình đang cải tạo lại vườn điều và cà phê theo hướng dẫn của các nhà khoa học, đồng thời tìm hiểu kỹ cách phòng trừ sâu bệnh và bón phân cho 2 loại cây trồng này nên mùa tới, chắc sẽ cho năng suất cao.
CẦN 26 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG NTM
“Từ ngày tuyến đường chính của thôn được sửa chữa theo chương trình xây dựng NTM, bà con đi lại thuận tiện và không còn bị tư thương ép giá nông sản mà tự chở đến đại lý bán được giá hơn” - anh Điểu Minh Día nói. Ưu thế là vậy nhưng Thọ Sơn hiện vẫn còn 12km đường trục thôn và liên thôn cần được nhựa hóa cùng 4,5km đường xóm và 5km đường giao thông nội đồng cần được bê tông hóa. Để hoàn thành tiêu chí này, xã cần số vốn tối thiểu khoảng 14 tỷ đồng.
Ngoài giao thông, Thọ Sơn còn gặp khó khăn trong thực hiện các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống tổ chức sản xuất và trường học. Xã đã có trung tâm học tập cộng đồng và 7/7 thôn có nhà văn hóa nhưng sân thể thao đều chưa đạt chuẩn. Để hoàn thiện tiêu chí này, xã cần được đầu tư 1,9 tỷ đồng. Còn muốn thành lập 1 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác hoạt động hiệu quả phải đầu tư 170 triệu đồng. Riêng tiêu chí trường học, cả 4 trường: Tiểu học Thọ Sơn, tiểu học Trần Phú, THCS Thọ Sơn và Mẫu giáo Hoa Phượng đều chưa đạt chuẩn quốc gia. Thọ Sơn cần xây dựng 23 phòng học với số vốn 9,55 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hoàn thành tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Thanh cho hay: Những tiêu chí còn lại xã dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 và đây là bài toán khó đối với Thọ Sơn. Tuy phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được người dân đồng tình ủng hộ nhưng nguồn vốn đầu tư hằng năm của Nhà nước thấp, trong khi việc vận động đầu tư rất khó khăn do kinh tế của người dân không đồng đều và địa bàn không có doanh nghiệp đóng chân.
TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ HƯỚNG THÁO GỠ
Muốn hoàn thiện nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất phải tốn rất nhiều nguồn lực. Trong khi năng lực và kinh nghiệm một số cán bộ xã, thôn còn hạn chế, thậm chí một số ít thành viên Ban quản lý xã và cán bộ thôn chưa nắm vững nội dung của chương trình NTM, làm ảnh hưởng đến tuyên truyền vận động. Mặt khác, một bộ phận cán bộ thôn và nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa tích cực vận động và tham gia đóng góp thực hiện chương trình. Nhất là vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ có mục tiêu tại xã thực hiện chưa hiệu quả. Ngoài ra, việc phân bổ nguồn vốn cho phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa có, dẫn đến việc huy động các nguồn lực trong dân hạn chế.
Ông Thanh cho rằng: Muốn hoàn thành chương trình NTM, yêu cầu thiết yếu của xã hiện nay là hệ thống giao thông nông thôn sớm được đầu tư xây dựng, bởi các tuyến đường đất thường bị xói lở và hư hỏng nặng vào mùa mưa. Ban chỉ đạo huyện và UBND huyện sớm hỗ trợ cát, đá và chi phí vận chuyển xi măng từ nhà máy về nơi thi công. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp giao thông và nguồn xi măng trả chậm để làm đường bê tông. Về lâu dài, tỉnh và huyện cần có giải pháp tăng cường hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng cơ sở và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư hằng năm cho xã, tạo điều kiện kích thích, khai thác nguồn lực trong dân, đáp ứng nhu cầu xây dựng NTM những năm tiếp theo.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065