Khơi thông nguồn lực trong dân
Năm 2009, xã Tân Lập (Đồng Phú) là một trong 11 xã của cả nước được thí điểm xây dựng NTM theo đề án của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, Tân Lập đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng về xã hội, quốc phòng - an ninh, hạ tầng cơ sở... tạo đà cho tỉnh nhân rộng mô hình về xây dựng NTM. Phát huy hiệu quả từ Tân Lập, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2010-2020.
Làm đường giao thông ở phường Tân Đồng (TX. Đồng Xoài) - Ảnh: M.L
Trong giai đoạn 2011-2013, vốn ngân sách bố trí trực tiếp cho chương trình là gần 210 tỷ đồng, ngân sách trung ương khoảng 119 tỷ đồng, vốn địa phương hơn 91 tỷ đồng, cùng hàng trăm tỷ đồng từ các chương trình lồng ghép, huy động doanh nghiệp, tín dụng... Đặc biệt, nhân dân đã tự nguyện đóng góp gần 113 tỷ đồng xây dựng NTM. Nhờ đó, các công trình như chợ, đường giao thông, vệ sinh môi trường... theo 19 tiêu chí trong xây dựng NTM được đầu tư phục vụ lại nhu cầu của người dân.
Ông Lê Huy Dũng (60 tuổi) ở ấp Phước Quả, xã Tân Hưng (Hớn Quản) cho biết: “Vài năm trước, con đường ở xóm tôi xuống cấp trầm trọng. Đợt tiếp xúc cử tri nào, chúng tôi cũng kiến nghị. Từ khi có chủ trương chung tay xây dựng NTM, người dân trong thôn đã tình nguyện đóng góp tiền của để kéo điện về thắp sáng và nâng cấp đường. Khi thực hiện phong trào, người thì góp công, nhà thì tự giải phóng mặt bằng, cưa bỏ cây, hộ thì hiến thêm đất. Nhờ vậy, đường đi trong thôn đã thông thoáng, sạch đẹp với mặt đường rộng hơn 7m, dài gần 2km”. Cũng nhờ phong trào này, người dân ở tổ 5, khu phố Phú Cường, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) đã góp tiền theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để nhựa hóa một số tuyến đường.
Theo thống kê của UBND tỉnh, 3 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới 46 công trình giao thông, 1 công trình thủy lợi, 12 công trình trường học, 18 công trình phụ trợ, 1 chợ NTM. Người dân cũng hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, giải tỏa hàng trăm ngàn cây trồng các loại để xây dựng và mở rộng đường giao thông.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ vùng cao Bù Đăng đến trung tâm tỉnh, ngược lên vùng sâu Bù Đốp hoặc ở địa bàn công nghiệp trọng điểm Chơn Thành thì ở đâu cũng sôi nổi với phong trào xây dựng NTM. Bởi xây dựng NTM là chủ trương lớn, đúng đắn, phù hợp lòng dân. Xét cho cùng, xây dựng NTM cũng vì lợi ích, cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Từ suy nghĩ đó, đến nay các xã xây dựng NTM đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình được nhân rộng. Xã Phước Tín (TX. Phước Long) đẩy mạnh phong trào thắp sáng vùng quê, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) đẩy nhanh tiến độ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các phương thức sản xuất mới làm tăng hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Xã Tân Khai (Hớn Quản) tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn...
Động lực để phát triển nông thôn
“NTM không là việc riêng của Nhà nước hay chính quyền các cấp mà toàn Đảng, toàn dân cùng chung sức để thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình”, đó là suy nghĩ của nhiều người, trong đó có cụ Lê Văn Xao ở xã Phú Sơn (Bù Đăng). Từ suy nghĩ trên đã cho thấy, nhận thức của người dân về chương trình mục tiêu quốc gia này đã rất rõ. Đây là thành quả trong công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể thời gian qua, tạo thuận lợi cho mục tiêu xây dựng NTM.
Làm đường giao thông ở xã Tân Lập (Đồng Phú) - Ảnh: T.L
Kết quả đáng mừng nhất không chỉ là những công trình, các tiêu chí hay sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp... mà đã có sự thay đổi trong suy nghĩ người dân về ý nghĩa của xây dựng NTM.
Bài học kinh nghiệm
Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chương trình xây dựng NTM lúc mới triển khai, trên địa bàn tỉnh có không ít sự hoài nghi về hiệu quả. Ngay như xã Tân Lập, khi được chọn thực hiện thí điểm cũng đã có không ít lời bàn tán. Một cán bộ UBND xã Tân Lập cho biết, khi triển khai chương trình chúng tôi lo nhất là huy động sức dân. Đặc biệt ở 3 tiêu chí chợ NTM, thu nhập của người dân và tỷ lệ người dân có việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tiêu chí nào dễ chúng tôi làm trước, khó thực hiện sau. Khi thực hiện phải quyết liệt và bàn trước để dân thông, dân hiểu; đồng thời quán triệt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhờ vậy, trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gương điển hình về đóng góp tiền, công sức hay hiến đất.
Thời gian tới, việc xây dựng NTM sẽ gặp không ít khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi đó, Bình Phước là tỉnh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng yếu kém, địa bàn rộng... Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được, nhất là sự đồng lòng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình thì mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh sẽ đạt nhiều thành quả và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065