Củ sen của Jiang trồng ở Hoàng Pha, huyện ngoại thành Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Khi thành phố tâm chấn Covid-19 với 11 triệu dân bị phong tỏa suốt 76 ngày từ 23-1 đến 8-4, nhiều nông dân như Jiang khốn khổ vì nông sản tới vụ thu hoạch nhưng không thể bán đi.
"Lái buôn không đến được", người nông dân 56 tuổi nói. "Nếu không cố hết sức, chúng tôi khó mà qua được nửa cuối năm nay".
Jiang Yuewu (phải), chuẩn bị gieo lại số củ sen đã thu hoạch nhưng không bán được, hôm 6-4. Ảnh: AP.
Guo Changqi, người trồng hoa ở Vũ Hán, đã vứt đi hơn 20.000 chậu hoa, mỗi chậu giá 0,7 - 0,8 USD ở chợ bán buôn. Giờ chợ đã mở cửa lại nhưng không có khách hàng, theo AP.
"Chúng tôi sống nhờ trồng hoa", Guo nói khi đi ngang qua những chậu hoa đã chết khô. "Nếu không có cách nào bán được, cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn".
Khắp Trung Quốc, những nông dân như Jiang hay Guo đều trông chờ chính phủ trợ giúp. Không chỉ Trung Quốc, nông dân khắp thế giới đều lâm vào tình cảnh khó khăn vì Covid-19.
Abdolreza Abbassian, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết việc trồng trọt và thu hoạch bị gián đoạn ảnh hưởng rất lớn đến những nước nghèo đông dân.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, nơi 70% dân số làm việc trong ngành nông nghiệp, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi sự gián đoạn này.
Trên những cánh đồng màu mỡ ở huyện Satara, phía tây Ấn Độ, nông dân đang cho gia súc ăn xà lách, dâu tây. Một số nông dân khác đang đổ hàng xe tải nho vào đống phân ủ. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài cho gia súc ăn hoặc mặc chúng thối rữa.
"Không ai muốn mua dâu vì lệnh phong tỏa", Anil Salunkhe, người đang đổ dâu cho bò ăn, nói. Khách du lịch địa phương không đến mua, ông cũng không bán được hàng cho lái buôn. Salunkhe thậm chí đã rao tặng miễn phí, nhưng chỉ rất ít người dám mạo hiểm rời nhà đến lấy dâu.
Nông dân không thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng vì lệnh phong tỏa mà nhiều nước áp dụng trên toàn thế giới đang tàn phá chuỗi cung ứng thực phẩm và ngành nông nghiệp, gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực và giá cả tăng cao, theo Reuters.
Bí ngòi chín đổ đi trên cánh đồng ở Homestead, bang Florida hồi đầu tháng 4. Ảnh: AP
Trên toàn cầu, hàng triệu lao động không thể ra đồng thu hoạch và trồng trọt. Xe tải không hoạt động để lưu thông hàng hóa. Vận chuyển hàng không rau củ quả tươi cũng giảm mạnh vì đóng cửa biên giới.
Tại Canada, lượng nhập khẩu các loại rau củ quả Ấn Độ như hành tây, đậu bắp, cà tím, đã giảm 80% trong hai tuần qua vì đường bay bị hạn chế, theo Clay Castelino, chủ tịch hiệp hội Orbit Brokers có trụ sở tại Ontario chuyên giúp đỡ bên vận chuyển làm thủ tục thông quan.
"Với thực phẩm dễ hỏng, một khi đã hỏng, chỉ có thể bỏ đi", ông nói.
Ngành nông nghiệp Tây Ban Nha cũng bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt nhân công đến từ những nước như Morocco.
"Trong khoảng 15 ngày nữa, vào giữa tháng 5, việt quất sẽ vào vụ thu hoạch", Francisco Sanchez, quản lý hiệp hội trồng trọt Onubafruit nói. "Chúng tôi cần lượng lớn lao động mùa vụ vào lúc đó".
Italy cũng cần 200.000 lao động mùa vụ vào hai tháng tới. Chính phủ có thể phải yêu cầu người dân nhận trợ cấp nhà nước để giúp thu hái rau củ, theo Ivano Vacondio, người đứng đầu Hiệp hội Thực phẩm liên bang Italy.
Ở Pháp, Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume bất đắc dĩ đành đưa ra lời kêu gọi "đội quân bóng tối", những người mới phải thôi việc hoặc sa thải vì Covid-19, trở thành lực lượng thay thế cho đội quân lao động nhập cư ở trang trại.
"Nếu không ai đáp ứng lời kêu gọi, nông sản trên cánh đồng sẽ thối hết", Christiane Lambert, người đứng đầu công đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp FNSEA, nói.
Tại Brazil, thủ phủ thế giới về xuất khẩu đậu nành, cà phê và đường, các trang trại đang đối mặt với hàng loạt vấn đề như tìm thuê xe tải để chở nông sản thu hái, hoặc thiếu vật tư nông nghiệp.
Argentina, nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới, việc xuất khẩu cũng bị trì hoãn khi chính phủ tăng cường kiểm tra tàu chở hàng từ những nước khác đến.
Tại Mỹ, nông dân bất lực nhìn nông sản thối trên cánh đồng hay sữa đổ xuống cống trong lúc vội vã đi tìm nơi nhập hàng, theo Guardian. Hàng tỷ USD thực phẩm sẽ bị lãng phí khi người trồng và người sản xuất từ California tới Florida đang đối mặt khủng hoảng thừa các mặt hàng dễ hư hỏng.
Thật là một nghịch lý khi các ngân hàng thực phẩm cứu trợ tại Mỹ và các cửa hàng thực phẩm đang chật vật để giữ hàng đầy kho thì nông dân khắp nơi lại đổ bỏ sữa, nhổ bỏ rau củ.
Theo báo cáo của Liên minh Nông nghiệp Bền vững Quốc gia Mỹ, thiệt hại của ngành nông nghiệp nước này có thể lên tới 1,32 tỷ USD từ tháng 3 tới tháng 5. Nguồn cung không thành vấn đề, nhưng làm thế nào để đưa nguồn cung tới nơi cần thiết đang là vấn đề cấp bách.
Nam Florida là vựa rau của người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt vào mùa đông và đầu xuân. Với nhiều nông dân, chi phí thu hoạch và đóng gói còn cao hơn giá bán ra thị trường.
"Nhiều yếu tố tổng hợp tạo ra tình cảnh tai hại cho người trồng rau ở Nam Florida, những người đang phải đổ đi hay bỏ mặc nông sản trên đồng ruộng", Lisa Lochridge, giám đốc quan hệ công chúng của Hiệp hội rau củ Florida, nói.
Hai bố con Ryan Elbe, chủ trang trại Golden E Dairy chăn nuôi 2.400 con bò sữa gần West Bend, thành phố phía nam bang Wisconsin, đứng nhìn xe tải đổ sữa ra đồng hôm 1-4. Trang trại đang đổ đi gần 95.000 lít sữa mỗi ngày. Ảnh: Golden E Dairy.
Các nhà sản xuất sữa ở Wisconsin, Vermont và những bang khác đổ đi hàng xe sữa thừa xuống cống hay xuống đồng. Trước đây, sữa thường được bán cho hệ thống trường học. Nay, trường học đóng cửa, với những nhà sản xuất, việc chuẩn bị và đóng gói thực phẩm để bán lẻ thay vì bán buôn, cũng như vận tải hàng hóa là một vấn đề mới và tốn kém không dễ giải quyết.
"Rất nhiều cửa hàng bán lẻ phải giới hạn số lượng sữa một người được phép mua bởi sợ không đủ hàng. Chuỗi cung ứng rõ ràng bị ngắt kết nối", Heckert nói.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065