>> Bài 1: Khi nông dân làm chủ công nghệ
HƯỚNG ĐẾN KHÁCH HÀNG KHÓ TÍNH
BP - Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã biết liên kết sản xuất cây ăn trái theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Đây là những sản phẩm thị trường trong nước và quốc tế có nhu cầu rất lớn. Trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hiện vẫn chưa đủ sản lượng xuất khẩu đang là cơ hội đưa tới nhiều lợi thế cạnh tranh cho cây ăn trái Bình Phước hướng tới công nghệ cao (CNC) nhưng cũng cần sự “sát cánh” của chính quyền và ngành chức năng.
Mong muốn bưởi da xanh vươn xa hơn
10 năm trồng bưởi da xanh trên đất Bình Phước, sản phẩm bưởi da xanh của gia đình anh Phạm Thanh Điền ở thôn 7, xã Long Bình (Phú Riềng) được thương lái từ các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Bắc đến tận nơi ký hợp đồng thu mua với giá ổn định. Anh Điền cho biết: “Thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Phước rất hợp trồng cây ăn trái có múi, đặc biệt là bưởi da xanh. Chất đất màu mỡ nên bưởi cho trái to, đẹp, múi căng, mọng và rất ngọt”.
Vườn chuối già Nam Mỹ của gia đình ông Kiều Đình Bách, thôn 8, xã Long Hà được công nhận sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn Vietgap
Cũng như nhiều hộ ở Long Bình, gia đình anh Điền bắt tay đầu tư vườn rẫy từ cây điều. Tuy nhiên, là người dân gốc miền Tây vốn gắn bó với cây ăn trái nên anh Điền đem 6 cây bưởi da xanh từ quê hương Bến Tre lên trồng thử nghiệm. Từ hiệu quả kinh tế bưởi da xanh đem lại, đến nay, gia đình anh Điền đã nhân rộng lên 3 ha. Anh Điền chia sẻ kinh nghiệm: “Bưởi da xanh trồng khoảng 4 năm sẽ cho trái bói, từ năm thứ 5 trở đi cây cho trái ổn định. Nếu canh tác đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất rất cao, có cây ra 100 trái, bình quân mỗi năm tôi thu từ 30-35 tấn/ha. Tuy nhiên, bưởi da xanh cũng có rất nhiều bệnh hại như thán thư, rỉ sắt, sâu đục trái nên phải theo dõi và định kỳ thường xuyên phòng trị bệnh”.
Anh Điền còn học tập và nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc giúp cây ra bông, đậu trái rải vụ nên vườn bưởi cho trái quanh năm. Nhiều năm trở lại đây, thời tiết không thuận lợi khiến sâu bệnh phát triển mạnh, anh đã khắc phục thấp nhất thiệt hại và còn bán được bưởi với giá cao, từ 40-50 ngàn đồng/kg. Mỗi năm gia đình anh thu hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Tính “đường dài” cho cây bưởi, anh Điền đang tìm hướng mở rộng đầu ra bền vững. Anh dự tính sẽ tạo thương hiệu loại cây đang được xem là đặc sản của Bình Phước bằng uy tín, chất lượng và sự an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều năm nay, anh Điền chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, không lạm dụng phân bón, thuốc hóa học. Anh rất ít sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn mà để cỏ mọc tự nhiên, phủ mát gốc bưởi. Anh về tận Bến Tre đặt mua phân dê rải dưới các gốc bưởi. Anh Điền cho rằng, việc bón phân dê vừa cải tạo đất vừa cho trái vị ngọt thanh, đều chứ không bị khô như bón nhiều phân hóa học khác. Sử dụng phân dê bón cây còn vì trong phân dê có hàm lượng dinh dưỡng cao, ít mầm bệnh. Mỗi năm anh bón một lần vào cuối mùa mưa giúp cải tạo đất, dưỡng sức cho cây, đồng thời tạo độ ngọt cho trái.
Anh Điền cho biết: “Cây bưởi không cần quá nhiều nước nhưng để phát triển tốt, đủ độ ngọt phải luôn giữ độ ẩm cho cây phát triển và thường xuyên kiểm tra vườn kịp thời xử lý các loại nấm bệnh gây hại như sâu đục trái và thân, sâu vẽ bùa. Làm vườn theo hướng hữu cơ giai đoạn đầu cây không lớn nhanh và xanh tốt bằng thúc phân hóa học, đầu tư cũng tốn công, tốn chi phí hơn nhưng về lâu dài có nhiều ích lợi, lại tiết kiệm”.
Tại xã Long Bình đang có nhiều hộ trồng bưởi da xanh theo hình thức chuyên hoặc xen canh với diện tích khoảng 100 ha. Trong đó, nhiều diện tích bưởi được trồng theo quy trình Vietgap. Để hướng đến sản xuất sạch theo chuyên canh, anh Điền mong muốn xã phối hợp ngành chức năng quy hoạch vùng chuyên canh trồng bưởi nhằm tạo được thương hiệu bưởi sạch, hướng đến các thị trường khó tính chứ không chỉ trồng tự phát như hiện nay. Chỉ khi bưởi được xây dựng và công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP thì mới có cơ hội mở rộng vươn ra thế giới.
Chuối Nam Mỹ tìm đường sang Châu Âu
Vườn chuối già Nam Mỹ rộng 1,5 ha với 3.000 gốc của gia đình ông Kiều Đình Bách ở thôn 8, xã Long Hà (Phú Riềng) đang chuẩn bị cho xuất khẩu lứa thứ 2. Vì được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên trái chuối to, mỗi buồng nặng từ 30-40kg. Ông Bách nói: “Chuối già Nam Mỹ rất dễ trồng nhưng phải thường xuyên theo dõi, ghi chép kỹ thời gian trổ buồng của mỗi cây để xử lý từng công đoạn như: Cắt bỏ lá vàng, cắt bắp, tỉa trái. Bình quân mỗi nải chỉ giữ lại khoảng 25 trái. Để chuối có mẫu mã đẹp, vỏ nhẵn mịn phải bao buồng chuối bằng túi ni-lon từ khi trổ buồng đến thu hoạch.
Chuối trồng bằng cây giống nuôi cấy mô nên sinh trưởng tốt, khỏe mạnh và ít bệnh. Tuổi thọ của mỗi bụi chuối là 5 năm. Để gối giống cho vụ sau, tại mỗi gốc chuối đã trổ buồng, ông Bách để từ 2-3 chồi khỏe mạnh, cân đối, các chồi còn lại đều cắt bỏ. Chồi mới sẽ phát triển thành cây mẹ và tiếp tục trổ buồng.
Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, hộ cá thể (gọi chung là cơ sở) đã được chứng nhận VietGAP. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 14 cơ sở được chứng nhận VietGAP trên cây ăn trái, rau ăn lá như: bưởi da xanh, chuối già Nam Mỹ, dưa lưới, húng cây, cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, xà lách, mồng tơi, rau dền, cải cúc, diếp cá, rau ngót, ngò ôm, húng quế… Lĩnh vực chăn nuôi có 30 cơ sở được chứng nhận VietGAP trên vật nuôi như: heo, gà, chim trĩ… |
Cải tạo vườn điều để trồng chuối Nam Mỹ theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xuất khẩu nên gia đình ông Bách tuân thủ nghiêm kỹ thuật. Nhờ đó, sản phẩm chuối già Nam Mỹ của gia đình ông Bách được công nhận sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn Vietgap ngay từ vụ đầu tiên. Mỗi khi buồng chuối chín khoảng 80%, ông liên hệ các đại lý về tận vườn thu hoạch. “Chuối xuất khẩu nên khâu kiểm định rất nghiêm ngặt theo hướng an toàn, đúng tiêu chuẩn quy định. Tôi phải ghi chép cụ thể, chi tiết tất cả quy trình từ khâu cây giống đến lúc thu hoạch trái, phải ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch 2-3 tháng. Tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi quanh năm cây chuối phải có từ 8-12 tàu lá xanh cho tới lúc thu hoạch” - ông Bách chia sẻ.
Còn vài tháng nữa, lứa chuối thứ 2 nhà ông Bách tiếp tục được thương lái đến tận vườn thu mua, đóng gói xuất khẩu. Hiện với 3.000 gốc chuối, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 100 tấn trái. Với giá bán dao động 8-12 ngàn đồng/kg, 1 ha chuối sau khi trừ chi phí ông Bách thu về trên 200 triệu đồng. Tìm được cây trồng phù hợp với chất đất, ông Bách không ngại đầu tư lớn, thay đổi tập quán canh tác theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu chuối Nam Mỹ của gia đình ông Bách hiện vẫn phải qua trung gian ngoại tỉnh. Vì thế, ông mong muốn ngành chức năng trong tỉnh tạo điều kiện nhiều hơn để ông có thêm vốn đầu tư khoa học - công nghệ và mở rộng diện tích, xây dựng vùng chuyên canh, chủ động liên kết tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngọc Tú - Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065