Giảm thiểu ô nhiễm
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, bởi quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng và các chất kháng sinh, chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Mục đích là giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho người.
Liên đoàn Các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) đưa ra các tiêu chuẩn chung mang tính quốc tế quy định về sản xuất và chứng nhận canh tác hữu cơ PGS (Participatory Guarantee System) cho các sản phẩm hữu cơ.
Việt Nam đã nhận thấy tính ưu việt của sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với sức khỏe con người, môi trường sinh thái, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững nên có nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư và quyết tâm sản xuất ra các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 43.000ha đất sản xuất nông nghiệp được công nhận sản xuất hữu cơ.
Từ năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các tiêu chuẩn cơ bản cấp quốc gia (tiêu chuẩn 10TCN 602-2006) áp dụng đối với sản xuất theo hình thức hữu cơ, làm quy chiếu cho các nhà sản xuất, chế biến và những người khác quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ dành cho thị trường trong nước.
Qua đó, PGS cũng đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp gồm 22 tiêu chí, ví dụ như: Nguồn nước được sử dụng trong canh tác hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 59421995); đất canh tác có ít nhất 3 năm không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học; khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm như các nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu vực đang xây dựng, các trục đường giao thông chính...
Cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng trong sản xuất hữu cơ. Các thiết bị phun thuốc đã được sử dụng trong canh tác thông thường không được sử dụng trong canh tác hữu cơ. Các dụng cụ đã dùng trong canh tác thông thường phải được làm sạch trước khi đưa vào sử dụng trong canh tác hữu cơ…
Bảo đảm sức khỏe
Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn mà công đoạn đầu tiên là sản xuất, tiếp đến là chế biến, bảo quản, lưu thông đến tay người tiêu dùng. Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất trong rau còn cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá mức cần thiết vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.
Kết quả kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho thấy hàm lượng độc tố và nhiễm vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng như chì, đồng, kẽm trong thức ăn chăn nuôi cao hơn mức quy định từ 1,8 - 5,6 lần. Điều này ảnh hưởng đến tính an toàn của vật nuôi cũng như sức khỏe người sử dụng.
Lợi ích của thực phẩm hữu cơ là tránh mang đến các chất có hại cho sức khỏe con người. Một nghiên cứu tiến hành bởi Đại học Washington cho thấy, trẻ với một chế độ ăn hữu cơ có mức độ thuốc trừ sâu trong cơ thể ít hơn tới 6 lần so với những trẻ có chế độ ăn uống thông thường.
Nghiên cứu của Đại học California cũng cho thấy trái cây hữu cơ có lượng vitamin C và mức độ chống oxy hóa cao hơn hoa quả phi hữu cơ. Toàn bộ các loại thực phẩm cũng chứa một lượng cao chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ ung thư phát triển. Thực phẩm hữu cơ có rất nhiều chất và cân bằng dinh dưỡng hơn so với thực phẩm thông thường.
Ngược lại, những hóa chất độc hại có trong thực phẩm thông thường lại không có trong thực phẩm hữu cơ. Một nghiên cứu gần đây của tạp chí Dinh dưỡng ứng dụng đã khẳng định ý kiến rằng thực phẩm hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn thực phẩm thông thường. Theo nghiên cứu này, các thực phẩm hữu cơ như táo, lê, cà chua, ngũ cốc và ngô đều có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn hẳn.
Vùng sản xuất rau hữu cơ tại tỉnh Vĩnh Phúc
Những nghiên cứu khác về tác động của thuốc trừ sâu lên rau quả cho thấy, việc phun một số loại thuốc trừ sâu làm giảm đáng kể hàm lượng của một số loại vitamin. Kết quả này trái với ý kiến cho rằng vitamin trong cây trồng có phun thuốc trừ sâu giảm do đất trồng bị bạc màu. Bản thân thuốc trừ sâu và các hóa chất khác cũng làm giảm lượng vitamin trong thực phẩm. Ngược lại, nghiên cứu cũng cho thấy hàm lượng các khoáng chất nặng có trong thực phẩm hữu cơ ít hơn thông thường.
Việt Nam đã có Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm (ban hành năm 2010). Khi đã áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận thì đã tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và chính quá trình sản xuất đó đã tham gia tích cực bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ.
|
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065