Cây trồng là thế mạnh
Bình Phước có lợi thế về nông nghiệp, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 107 hợp tác xã (HTX), 1 liên hiệp HTX, trong đó có 68 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao để trồng rau, củ, quả và cây ăn trái. Có 44 cơ sở được chứng nhận VietGap. Các HTX đã và đang áp dụng công nghệ chế biến - quy trình sản xuất hữu cơ, đồng thời ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để từng bước tạo ra các sản phẩm có uy tín trên thị trường. Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 ha nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ yếu là rau, hoa, quả... cho thu nhập khoảng 4-5 tỷ đồng/ha/năm.
Vườn dưa lưới công nghệ cao của HTX Nguyên Khang Garden
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ, ngụ tổ 2, ấp Phú Thành, xã Thanh Phú (Bình Long) xây dựng 7.000m2 nhà màng kiên cố, hiện đại, trị giá 2,7 tỷ đồng để trồng dưa lưới và rau hữu cơ theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, ông trực tiếp tham gia học lớp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng VietGAP. Hiện tại với 5 nhà màng, trong đó ông dùng 4 nhà màng để trồng dưa lưới, 1 nhà trồng rau càng cua. Các nhà màng được ông xây dựng hiện đại với 2 lần cửa ra vào, lưới dày màu trắng để hấp thu ánh sáng mặt trời và ngăn ngừa các loại sâu bệnh, nước mưa... Vì trồng trong nhà màng, cùng hệ thống tưới phun sương nên độ ẩm trong đất luôn đảm bảo, rau, quả phát triển xanh tốt, ít bị sâu bệnh, từ đó hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm rau, củ, quả của hộ ông đã được xuất bán ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các siêu thị lớn, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chăn nuôi là mũi nhọn
Song song với các loại cây công nghiệp, cây ăn trái thì chăn nuôi cũng đang chiếm vị trí quan trọng, không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm ra thị trường, mà còn góp phần tăng thu nhập cho hộ nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Bình Phước đang kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi heo. Đến hết năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên 1,3 lần và 1,5 lần vào năm 2025; tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch được chứng nhận an toàn, chứng nhận GAP; khai thác sản phẩm từ các vùng, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 20% năm 2020 và 30% năm 2025 trên tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. |
Bình Phước hiện có 138 trang trại chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình trang trại kín, quy mô chăn nuôi từ 5.000- 400.000 con. Trong đó, 100% trang trại có hệ thống nước uống tự động. 98 trang trại chăn nuôi heo có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng silo và hệ thống nước uống tự động vào mỗi dãy chuồng nuôi. Việc đầu tư nuôi theo quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra chuỗi khép kín trong các khâu chăn nuôi như: giống, thức ăn, thuốc thú y, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và tạo ra lượng phân bón hữu cơ lớn. Nuôi heo theo quy mô công nghiệp đã và đang mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững bảo đảm thịt heo an toàn từ trang trại chăn nuôi đến bàn ăn. Do vậy, trong thời điểm nhạy cảm về an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tồn tại và phát triển cần liên kết trong tổ hợp tác chăn nuôi xây dựng quy trình đạt chuẩn VietGAP tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Xã Thanh Lương (Bình Long) có quy mô chăn nuôi tập trung lớn và đang hướng tới sản xuất sạch, bền vững, mang thương hiệu riêng của địa phương. Tính đến thời điểm hiện nay, xã có khoảng 3.500 hộ chăn nuôi gà. Trong đó có rất nhiều hộ nuôi với quy mô trên 20.000 con. Người đầu tiên đặt nền móng cho phong trào chăn nuôi gà phát triển ở xã Thanh Lương là ông Ngô Việt Tiến, ngụ ấp Thanh Bình, hiện là Giám đốc HTX nuôi gà Thanh Bình. Gia đình ông Tiến có đến 27 dãy chuồng với hơn 170.000 con, được nuôi hoàn toàn theo quy trình VietGap. Ông Tiến cho biết, đam mê nghề chăn nuôi nên năm 2007, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, ông đầu tư chăn nuôi gà. Nhờ chịu khó học hỏi, sau hơn 1 năm việc chăn nuôi của ông cũng đạt kết quả tốt, dần ổn định. Đến năm 2009, ông bắt đầu hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật giúp các hộ nông dân đầu tư nuôi gà. Từ đó, phong trào nuôi gà tại xã Thanh Lương phát triển mạnh. Năm 2019, gà thả vườn Thanh Lương được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Nông nghiệp Bình Phước sẽ đột phá
Trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Bình Phước đang kêu gọi đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mà trước hết là ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ quản lý... khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào các loại cây - con mới.
Theo kế hoạch, Bình Phước đặt mục tiêu hình thành ít nhất 2 vùng chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao (Lộc Ninh, Hớn Quản) và 2 vùng chăn nuôi gà công nghệ cao (Đồng Phú, Bình Long) vào năm 2020 với quy mô từ 50 trang trại trở lên. Ngoài ra, tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sau khi hình thành, thu hút ít nhất 1 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao vào đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: doanh nghiệp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến, bảo quản sản phẩm nông - lâm - thủy sản đủ điều kiện theo Điều 5 Luật Công nghệ cao. Tổng diện tích quy hoạch đạt 2.000 ha phục vụ mục tiêu kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065