Liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp hiện đại được khẳng định là ưu việt nhất hiện nay. Ảnh: Trại nuôi gà của hộ ông Đỗ Tiến Phi ở ấp 5, xã Minh Lập (Chơn Thành)
Cách trung tâm thị xã Đồng Xoài hơn 10km, Tổ hợp tác quýt đường xã Tân Thành (Đồng Xoài) có 10 thành viên, với tổng diện tích khoảng 28 ha. Năm 2015, tổ hợp tác sản xuất được 400 tấn quýt, doanh thu khoảng 7,2 tỷ đồng. Lượng quýt này được thương lái đến vườn thu mua rồi chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác, số còn lại cung cấp cho người tiêu dùng tại địa phương. “Tuy nhiên, đầu ra của quýt đường vẫn chưa ổn định, giá bấp bênh, thương lái thường xuyên ép giá. Giá bán tại vườn chỉ bằng một nửa so với giá thị trường. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cây quýt còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến năng suất chưa ổn định. Do vậy, hơn bao giờ hết, nông dân mong ngành nông nghiệp sớm quy hoạch phát triển vùng trồng cây ăn trái tập trung, từng bước xây dựng vùng trồng theo hướng VietGAP; cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng quýt và doanh nghiệp thu mua. Có như vậy thì các tổ hợp tác trồng cây ăn trái như quýt đường Tân Thành mới phát triển bền vững” - bà Nguyễn Thị Sen, Tổ trưởng Tổ hợp tác quýt đường xã Tân Thành cho biết.
Tại thị xã Bình Long, cuối năm 2013, Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn được thành lập với 13 hộ, mỗi năm xuất bán khoảng 500 tấn gà. Trung bình mỗi hộ chăn nuôi từ 15.000-30.000 con. Ông Phan Văn Túy cho biết: Hầu hết thành viên trong tổ đều cần cù chịu khó, có kiến thức và kinh nghiệm nên những tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng triệt để. Song vì chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều về thị trường nên khả năng kinh doanh, bán hàng của các hộ vẫn còn hạn chế, dẫn đến tìm mối tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Phần lớn sản phẩm của tổ hợp tác được bán cho thương lái tự do nên giá không ổn định. Mặt khác, số hộ chăn nuôi tự phát còn nhiều dẫn đến áp lực dịch bệnh tăng cao. Chính vì vậy, để sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển bền vững thì sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp hiện đại là giải pháp ưu việt nhất hiện nay. Trong đó, liên kết “4 nhà” được coi là vấn đề mấu chốt nhằm tạo chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.
Để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phải tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thành lập các câu lạc bộ, hợp tác xã, trang trại quy mô lớn gắn kết chặt chẽ, đồng bộ từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ đến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đem lại lợi nhuận cao, ổn định cho nông dân. Như vậy, xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững của tỉnh là xây dựng thành công mô hình liên kết “4 nhà”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất: Nông dân sản xuất cái gì, bán ở đâu, giá như thế nào chỉ được trả lời thỏa đáng khi có sự phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng “nhà” trong mối liên kết. Việc “phân vai” rõ ràng cũng nhằm phát huy tổng lực các mối liên kết nói trên.
Lương Nghi
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065