“Dân bơi sao nổi”
Kết thúc niên vụ sầu riêng năm 2019, 2,5 ha trong tổng 5 ha sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh của nhà nông Đỗ Văn Hiền ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, TX. Phước Long cho năng suất 60 tấn. Bình quân sầu riêng của vườn nhà ông được thương lái thu mua với giá 49.000 đồng/kg. Ông là một trong 12 thành viên của HTX cây ăn trái Bàu Nghé thuộc xã Phước Tín ra đời từ tháng 10-2017. Cả HTX cây ăn trái thôn Bàu Nghé có 150 ha, trong đó khoảng 50 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. 100% thành viên HTX hiện đã áp dụng quy trình chăm sóc cây sầu riêng theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Giữa năm 2018, 2/3 diện tích cây sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh của HTX này đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (quy trình sản xuất nông nghiệp sạch). Đầu năm 2019, HTX cây ăn trái Bàu Nghé lên kế hoạch xây dựng chương trình đăng ký mã vạch cho sản phẩm của HTX nhằm tạo đà cho việc xuất khẩu trực tiếp để nâng cao giá trị cây sầu riêng. Thế nhưng, kết thúc niên vụ sầu riêng 2019, việc đăng ký mã vạch vẫn chưa hoàn tất. Tất cả thành viên trong HTX cây ăn trái Bàu Nghé đều phải bán sầu riêng cho thương lái với phương thức tự ai nấy làm. “Lúc đầu, tôi cũng đăng ký mã vạch nhưng đợi từ khi cây sầu riêng ra bông đến khi trái chín vẫn chưa có. Thương lái tìm đến vườn hỏi mua, thấy được giá nên tôi bán luôn, không đăng ký mã vạch nữa” - thành viên HTX cây ăn trái Bàu Nghé Đỗ Văn Hiền cho biết.
20 ha sầu riêng trồng mới của nhà nông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long được đầu tư hệ thống đường băng và điện, nước phục vụ việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (ảnh lớn). Máy cấp đông được ông Trương Văn Đảo đầu tư để phục vụ việc sơ chế và bảo quản sầu riêng trước khi cung cấp cho doanh nghiệp (ảnh nhỏ)
HTX cây ăn trái Bàu Nghé được xem là HTX nông nghiệp điển hình trong số 136 HTX trên địa bàn toàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay. Thế nhưng, việc xây dựng thương hiệu và trực tiếp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của mình ra thị trường quốc tế xem ra là bài toán khó cho những nhà nông mặc dù có thừa kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Ông Trương Văn Đảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cây ăn trái Bàu Nghé cho biết, kinh nghiệm trồng sầu riêng của các thành viên trong HTX ít nhất là 9 năm, cá biệt có người đến 20 năm. Việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng cho năng suất, chất lượng tốt, đạt chuẩn quốc tế không còn là nỗi lo của HTX như trước khi thành lập. Mỗi tháng hay ít nhất mỗi quý trong năm, các thành viên HTX đều họp để chia sẻ kinh nghiệm với những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong lĩnh vực trồng và chăm sóc cây ăn trái. Thế nhưng, để sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu được ra thị trường ngoài nước trong điều kiện hiện nay là điều không thể. Bởi, quy trình chăm sóc mỗi người một kiểu theo kinh nghiệm vốn có của mình. Điều đó dẫn đến năng suất, chất lượng trái sầu riêng trong HTX không đồng đều.
Lãng phí tài nguyên nếu...
Một nắng hai sương làm nên những trái sầu riêng đạt chuẩn chất lượng châu Âu nhưng không thể xuất khẩu bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhà nông Trương Văn Đảo tự đầu tư dàn máy cấp đông và kho lạnh để sơ chế và bảo quản sản phẩm cung cấp trực tiếp cho nhà sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Thay vì bán nguyên trái, bán cả vườn, những trái sầu riêng của ông được sơ chế rồi cấp đông trong môi trường âm 200C để chờ đủ số lượng mới giao cho nhà sản xuất. Lợi nhuận của trái sầu riêng nhờ thế tăng gấp 2 lần so với bán cho thương lái. Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn tiếp tục tái đầu tư và trồng mới 20 ha cây sầu riêng. Toàn bộ diện tích trồng mới này được ông quy hoạch và đầu tư hệ thống điện, nước đảm bảo việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ sinh học, gia đình ông Đỗ Văn Hiền còn làm cỏ trong vườn bằng phương pháp thủ công để đảm bảo chất lượng trái sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu
Ông Trương Văn Đảo cho biết thêm, làm nông nghiệp trong thời buổi 4.0 mà không ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất thì không thể “bơi ra biển lớn được”. Muốn đưa nông sản ra “biển lớn” trước hết phải có quy mô sản xuất đủ lớn, năng suất, chất lượng sản phẩm phải đồng đều, ổn định. Muốn vậy đâu còn cách nào khác là phải đầu tư máy móc, quy trình chăm sóc, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, ngần ấy diện tích sầu riêng cũng không đáng là bao trước thị trường tiêu thụ bao la ngoài kia mà chúng ta chưa thể đáp ứng được. Nếu tỉnh quy hoạch cho HTX 200 ha hoặc hơn thế nữa để làm nông nghiệp công nghệ cao dù phải đóng tiền chúng tôi sẵn sàng xung phong đón nhận. Bởi quy hoạch được diện tích đủ lớn mình mới đưa công nghệ vào sản xuất theo quy trình khép kín trong nông nghiệp, có được quy trình khép kín mới tạo ra được năng suất, chất lượng nông sản ổn định và đồng đều. Khi đó, chúng ta dễ dàng xây dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Lúc đó, mặc nhiên giá trị nông sản hàng hóa sẽ được nâng cao.
Cái khó nhất hiện nay là diện tích sầu riêng của HTX phân tán, nhỏ lẻ nên không đảm bảo số lượng để cung cấp theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Tài sản của HTX hiện chủ yếu là những vườn cây nhỏ lẻ của các thành viên phân tán nhiều nơi, nguồn kinh phí hoạt động của HTX cũng do nhà nông là thành viên đóng góp. Nếu không có quy hoạch diện tích đủ lớn để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và để người dân tự bơi như hiện nay thì làm sao dân bơi nổi? Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo |
Tháng 6-2019, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 07 quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với nhiều cơ chế thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh Bình Phước phấn đấu thành lập 157 HTX hoạt động hiệu quả. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, hiện toàn tỉnh có 136 HTX. Tuy nhiên, phần lớn các HTX mới thành lập nên quy mô nhỏ, hoạt động còn manh mún, cầm chừng. Diện tích đất sản xuất của các HTX cũng rải rác nên quy chuẩn, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chưa đủ mạnh, chưa đủ sức đầu tư cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đủ sức “vươn ra biển lớn”. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được bộ thủ tục xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, nhất là hồ tiêu và điều giữa nhà nông và doanh nghiệp với tổng nguồn vốn 18 triệu USD, tương đương khoảng 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã thành lập tổ thẩm định, hỗ trợ nhà nông, HTX và cả doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, do hạn chế về diện tích canh tác nông nghiệp, thiếu vốn và thiếu cả năng lực, tâm huyết từ các nhà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên hầu hết các mặt hàng nông sản có giá trị cao của tỉnh chưa thể vươn xa theo kỳ vọng. Nhà nông và cả doanh nghiệp muốn lấy được nguồn vốn hỗ trợ theo chủ trương, chính sách của tỉnh, muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trước hết phải biết liên kết, biết xây dựng, biết hoạch định bằng được phương thức, quy mô đầu tư sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản của chính mình. Nếu không, chúng ta không chỉ lãng phí tài nguyên đất bằng phương thức sản xuất manh mún mà còn lãng phí cả trí lực của những nhà nông giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065