“VÀNG ĐEN” HẾT THỜI “VÀNG SON”
Đắk Ơ được xem là thủ phủ hồ tiêu của Bình Phước. Trước năm 2017, khi cây tiêu đang ở giai đoạn “hoàng kim”, hàng trăm hộ dân trong xã ồ ạt đầu tư trồng loại cây này. Chỉ trong thời gian ngắn, lợi nhuận từ cây tiêu đã giúp những nông dân nơi đây thành tỷ phú. Những ngôi nhà xây kiên cố, nhà Thái, biệt thự mọc lên san sát. Tưởng chừng như cuộc sống người dân nơi đây bước sang trang mới. Bất ngờ từ năm 2017 đến nay, hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, cùng với đó giá lao dốc khiến thủ phủ hồ tiêu một thời đứng trước nguy cơ xóa sổ, còn các tỷ phú “vàng đen” thì đi cầu cứu khắp nơi chỉ mong có cơ hội “tái sinh”.
Dạo quanh một vòng tại các thôn có diện tích hồ tiêu lớn của xã Đắk Ơ, hai bên những con đường đất đỏ, nhiều vườn tiêu chết khô, để lại trụ tiêu trơ trọi. Những khu dân cư với nhà cửa khang trang, kiên cố có vẻ đìu hiu vì cửa đóng then cài. Thi thoảng xuất hiện một tấm biển treo trước cổng nhà với nội dung “Bán nhà”, “Bán vườn tiêu” hay “Bán nhà và vườn tiêu”.
Thủ phủ hồ tiêu trước nguy cơ xóa sổ
Thôn 10 là một trong những thôn có diện tích trồng tiêu lớn nhất, nhì xã Đắk Ơ. Niên vụ 2017, toàn thôn có 96 hộ trồng tiêu với tổng diện tích trên 192 ha thì hơn 44 ha bị thiệt hại do sâu bệnh. Đến niên vụ 2018, số hộ trồng tiêu tăng lên 151 hộ, diện tích hơn 212 ha, trong đó có hơn 117 ha tiêu bị chết. Hiện nay, số hồ tiêu còn lại đang tiếp tục bị chết, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tương tự, chỉ trong năm 2019, địa bàn thôn 9, xã Đắk Ơ có 131 hộ trồng tiêu với diện tích trên 180 ha, hiện đã bị chết hơn 123 ha. Từ đầu năm 2019 đến nay, diện tích tiêu còn lại đang tiếp tục bị chết.
4 ha hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Đủ ở tổ 3, thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập xơ xác, trơ trụi, có nơi chỉ còn là bãi đất trống
Thôn 3 trong 2 năm (2017 và 2018) có 147 hộ trồng tiêu với diện tích 293 ha, trong đó bị chết lên tới gần 74 ha. Diện tích hồ tiêu còn lại đang tiếp tục chết, đặc biệt trong 3 tháng trở lại đây. Chị Điểu Thị Út, người dân trồng tiêu tại thôn 3, xã Đắk Ơ, cho biết: “Gia đình tôi có 2.400 trụ tiêu 6 năm tuổi và 600 trụ tiêu mới cho thu hoạch năm nay. Năm 2018 có 300 trụ tiêu bị bệnh rồi chết, từ đầu năm đến nay có 1.200 trụ chết. Thấy tiêu chết tôi không dám vào thăm vườn, vì nhìn mà đau hết ruột gan. Hiện gia đình tôi nợ ngân hàng 1 tỷ đồng. Chỉ mong được cơ quan chức năng hỗ trợ bao nhiêu mừng bấy nhiêu”.
Trước tình trạng tiêu chết hàng loạt, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các trưởng thôn trên địa bàn xã lập danh sách những hộ dân có hồ tiêu bị chết. Tính từ ngày 1-4-2019 đến 11-11-2019 có thêm 47 hộ kê khai với diện tích tiêu chết 56,9 ha. UBND xã tiếp tục thống kê tổng hợp để báo cáo UBND huyện Bù Gia Mập có hướng chỉ đạo. Năm 2019, qua khảo sát 639 hộ trồng tiêu trên địa bàn xã có tổng diện tích 1.268,07 ha, trong đó 761,45 ha bị dịch bệnh với số nợ lên đến 401 tỷ 390,9 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh |
Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh cho biết: Năm 2017, toàn xã có 758 hộ bị dịch bệnh tiêu chết với diện tích 267,73 ha. Trong đó, diện tích tiêu chết dưới 30% là 89,09 ha; diện tích tiêu chết từ 30-70% là 136,17 ha; diện tích tiêu chết trên 70% là 42,47 ha. Năm 2018, xã có 958 hộ bị dịch bệnh tiêu chết với diện tích 530,91 ha. Trong đó, diện tích tiêu chết dưới 30% là 94,11 ha; diện tích tiêu chết từ 30-70% là 211,1 ha; diện tích tiêu chết trên 70% là 225,69 ha. Năm 2019, tính đến ngày 25-3-2019, trên địa bàn toàn xã có 639 nông hộ bị tiêu chết với diện tích 761,45 ha. Tình trạng tiêu chết chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tiêu chết, người dân không chỉ trắng tay mà còn rơi vào cảnh nợ nần do vay mượn để đổ xô đầu tư vào cây tiêu và một số lĩnh vực khác.
“Ngồi trên đống lửa”
Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Công Nhiệm ở thôn 10, xã Đắk Ơ - đại diện cho nhiều hộ dân ở 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi cầu cứu các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương mong được khoanh nợ.
Anh Nhiệm cho biết: “Gia đình tôi có tổng diện tích 8,5 ha, trong đó 3 ha tiêu, 3,5 ha cao su, 1,5 ha điều. Nhiều năm nay, các loại nông sản cùng rớt giá nên cuộc sống gia đình khó khăn. Gia đình tôi trồng tiêu từ năm 2004, đến nay có 3.800 trụ tiêu. Hiện gia đình tôi nợ ngân hàng 1 tỷ 950 triệu đồng. Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã vay đầu tư sản xuất chăm sóc phát triển hồ tiêu. Gia đình tôi và các hộ khác đều trả lãi và gốc đúng kỳ hạn. Nhưng từ đầu năm đến nay vì cây tiêu chết nhiều, giá thấp nên chúng tôi không có khả năng trả nợ đúng hạn cho ngân hàng”.
Ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã vay thêm vốn để tái sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mít Thái, sầu riêng, khoai sọ
Cùng hoàn cảnh khó khăn như anh Nhiệm, anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10, xã Đắk Ơ có 3 ha tiêu trồng từ năm 2010. Khi tiêu được giá, gia đình anh Sơn đã vay tiền đầu tư chăm sóc vườn tiêu và mua thêm 1,1 ha tiêu với giá 1,25 tỷ đồng. Nhưng 2 năm 2017, 2018, vườn tiêu bị bệnh và chết trên diện rộng. Đến năm 2019, tiêu vẫn tiếp tục chết và rớt giá nên khó chồng thêm khó. Đến nay, gia đình đang nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bù Gia Mập 2,5 tỷ đồng.
Các hộ trồng tiêu trong thôn đang rơi vào cảnh điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt và giá rất thấp. Hiện trong thôn xảy ra tình trạng các hộ dân đóng cửa nhà đi nơi khác làm ăn. Bà Trần Thị Lan, Trưởng thôn 10, xã Đắk Ơ |
Bị rơi vào vòng xoáy tiêu chết - rớt giá, không có tiền chăm sóc tái đầu tư nên 4 ha tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Đủ và bà Lưu Thị Thương ở tổ 3, thôn 10, Đắk Ơ xơ xác, trơ trụ, khiến gia đình rơi vào tình cảnh túng quẫn. “Lập nghiệp ở Bình Phước được 20 năm, đây là lần đầu tiên gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần. Nhìn vườn tiêu chết, chồng đổ bệnh; tôi không dám ra vườn vì sợ nhìn cả vườn tiêu trơ trụi. Thương ba mẹ, con trai đầu đã đi làm thuê ở xa để gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Con trai thứ hai đang học lớp 12, nhưng thấy gia đình không có tiền đóng học phí nên xin ba mẹ cho được nghỉ học. Vừa rồi đến kỳ trả lãi không xoay xở được tiền, gia đình tôi phải bán hết đàn dê 50 con để trả nợ” - bà Thương nói trong nước mắt.
Thôn 10, xã Đắk Ơ trước đây được gọi là thôn tỷ phú, nhưng từ khi cây hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt đã xuất hiện những bảng bán nhà, bán đất hoặc bán nhà và vườn tiêu
Hộ trồng tiêu có số nợ ngân hàng thấp nhất 38 triệu đồng, hộ nợ cao nhất lên tới 3,7 tỷ đồng, số hộ có khoản nợ từ 1-3 tỷ đồng chiếm đa số. Với khoản nợ lớn, các hộ dân chỉ trông chờ vào cây tiêu để trả nợ, nhưng hiện tình trạng hồ tiêu chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, giá giảm sâu chỉ còn 38.000 đồng/kg. Ngày 8-11-2019, 172 hộ dân của xã Đắk Ơ đã đến trụ sở tiếp dân của UBND huyện Bù Gia Mập kêu cứu mong được khoanh, giãn nợ. Kết quả của buổi tiếp dân được UBND huyện Bù Gia Mập trả lời: “Thẩm quyền xem xét, khoanh nợ, giãn nợ thuộc hệ thống ngân hàng”. Với hy vọng này, các hộ dân đã bắt đầu hành trình kêu cứu các cơ quan chức năng, ngân hàng mong được giúp đỡ.
Từ năm 2017, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bù Gia Mập gặp rất nhiều khó khăn, giá các mặt hàng nông sản rất bấp bênh, nhất là giá cao su, hồ tiêu hạ thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, cùng với tiêu mất mùa, chết hàng loạt, dẫn đến nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa có công bố dịch bệnh trên cây hồ tiêu, nên ngành ngân hàng cũng không đủ thẩm quyền để khoanh nợ cho các nông hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Bù Gia Mập theo các quy định hiện hành.
Xuân Túc - Ngọc Bích
Hành trình gõ cửa các cơ quan chức năng và ngân hàng để mong được khoanh, giãn nợ của hàng trăm hộ dân ở xã Đắk Ơ nói riêng và nông hộ trồng tiêu ở huyện Bù Gia Mập nói chung vẫn đang tiếp diễn và chưa có đáp án.
Kỳ sau: Chờ đợi “hồi sinh”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065