BP - Không chấp nhận trói mình trong cái vòng luẩn quẩn “chặt - trồng” hay sự bấp bênh của thị trường khi được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, một số nông dân ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) đã tự học hỏi thực hiện cách làm kinh tế mới, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa phù hợp điều kiện gia đình. Tuy chưa mang lại lợi nhuận cao nhưng đây là tín hiệu vui của ngành nông nghiệp và ngày càng có nhiều người nông dân đã chủ động bước chân vào nền kinh tế thị trường.
BỒ CÂU RA RÀNG: NUÔI TỚI ĐÂU - BÁN TỚI ĐÓ
Thấy nhiều người xung quanh có nhu cầu dùng thịt chim bồ câu, nhất là bồ câu ra ràng nên hơn một năm nay, chị Trần Thị Mỹ ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến mạnh dạn đầu tư nuôi chim bồ câu. Ban đầu, chị Mỹ đi mua 10 cặp giống, gồm bồ câu gà, bồ câu Pháp và bồ câu lai Pháp về nuôi thử. Sau thời gian tham quan các trại, tự học trên mạng về kỹ thuật nuôi và tích lũy thêm kinh nghiệm chị Mỹ đã mua thêm giống và nhân đàn. Đến nay, trong “căn nhà” rộng khoảng gần 30m2, chị Mỹ đã nuôi 80 cặp bồ câu lớn nhỏ, trong đó có khoảng 10 cặp bồ câu gà, còn lại là bồ câu Pháp và lai Pháp.
Chị Mỹ nói về cách chọn chim giống
Tận dụng diện tích vườn cao su rộng hơn 1 sào, chị Mỹ nuôi thêm 10 gà mái đẻ và 70 con gà ta thả vườn lớn nhỏ. Thời gian chăm sóc bồ câu, gà... không nhiều nên chị Mỹ có thể làm việc nhà, đưa đón con đi học mà thu nhập ổn định. Chị Mỹ cho biết: Bồ câu sau nở khoảng 20 ngày là ra ràng, được dân gian truyền miệng là thức ăn bổ dưỡng nên rất nhiều người mua. Hiện bồ câu ra ràng có giá khoảng 100 ngàn đồng/cặp, bồ câu gà sau nở 1 tháng có giá 400-500 ngàn đồng/cặp, bồ câu Pháp, lai Pháp từ 250-300 ngàn đồng/cặp. Trại của chị Mỹ hiện bán cả ra ràng, bồ câu thịt lẫn giống nhưng mới đáp ứng nhu cầu khách quen, được đặt trước. Những tháng giáp tết, nhu cầu tăng cao chị Mỹ phải giới thiệu khách tìm mua chỗ khác.
Việc mở rộng trại bồ câu được chị Mỹ tính tới. Nhiều khách hàng của chị cho rằng, do quen biết nên họ biết rõ chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp nên tìm đến nhà chị mua gà, chim làm thức ăn hằng ngày hoặc phục vụ đám tiệc.
HƯỚNG ĐẾN NHU CẦU THỊ TRƯỜNG
“Hiện chúng tôi đang đứng trước nhiều lựa chọn để thay đổi cây - con giống theo nhu cầu thị trường. Cái chúng tôi cần là sự định hướng của các ngành, hội, đoàn thể. Tuy nhiên thực tế là không một ai dám đứng ra làm việc này, vì không bảo đảm được đầu ra”. Chị Trần Thị Mỹ, nông dân ấp Cầu Hai |
Theo thống kê, xã Đồng Tiến có khoảng 75% gia đình phát triển kinh tế nông hộ, trong đó khoảng 10% hộ có kinh tế hiệu quả như: trồng ổi xen quýt ở ấp 4, tổ hợp tác sản xuất rau ở ấp Cầu Hai, mô hình V.A.C ở ấp 1, ấp 3, trồng xen rau má dưới tán điều ở ấp 5... Chị Đặng Thị Xuân Nhạn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tiến cho rằng, sở dĩ các hộ còn lại kinh tế chưa khá vì đang trong thời gian tìm ra mô hình kinh tế phù hợp, chưa đầu tư thâm canh các loại cây lâu năm nên năng suất không cao.
Hiện nay, khi giá cao su ngày càng giảm, nông dân ở xã Đồng Tiến có nhiều hướng thay đổi cây - con giống theo nhu cầu thị trường. Cũng như nhiều nơi khác, do thấy giá hồ tiêu gần đây lên cao nên một số hộ đã tận dụng đất trồng xen tiêu vào các vườn già cỗi. Nếu như những năm 2000, diện tích tiêu trên địa bàn xã chỉ 4-5 ha thì hiện nay đã tăng gấp 4 lần. Chị Nhạn phân tích: Bước chân vào nền kinh tế thị trường nên người nông dân tiếp cận được sự đa dạng của các loại hàng hóa. Từ đó tìm cho mình mặt hàng phù hợp để đầu tư. Tuy nhiên, cũng có một số người quá chú trọng về lợi nhuận trước mắt mà chưa tính tới khả năng nguồn cung sẽ vượt cầu trong tương lai, hoặc đầu tư không phù hợp sẽ dẫn đến thua lỗ. Chị Nhạn cho rằng, có những mô hình hiện nay có hiệu quả, đáp ứng thị trường tốt, nhưng nếu “bung” ra trong thời gian tới thì không khả quan vì không tránh khỏi trường hợp khách hàng sẽ tiếp cận được nhiều nguồn cung cấp quy mô, chất lượng hơn. Vì vậy, những mô hình này hội không khuyến khích phát triển trên địa bàn xã. Tương lai, hội sẽ định hướng để nông dân phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau, đặc biệt đối với hộ có diện tích đất ít và công lao động nhàn rỗi. Đối với hộ có diện tích lớn, hội sẽ phối hợp ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp bà con thâm canh, cải tạo vườn theo hướng năng suất hơn.
P.Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065