>> Bài 1: Đầu tư công nghệ và thay đổi tư duy
MUỐN ĐỨNG VỮNG PHẢI XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
BP - Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đó các loại nông sản thế mạnh của Bình Phước sẽ có cơ hội xuất khẩu sang nhiều nước và ngược lại. Tuy nhiên, muốn có những mặt hàng nông sản thật sự chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu không chỉ nông dân mà đòi hỏi các cấp, ngành phải tích cực vào cuộc. Dự kiến Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2018, nếu không được chuẩn bị kỹ để hội nhập, nhiều khả năng các loại nông sản chủ lực của tỉnh bị thua ngay trên sân nhà. Phóng viên Báo Bình Phước phỏng vấn bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về vấn đề này.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các hoạt động để chuẩn bị hội nhập ngày càng sâu, rộng với kinh tế quốc tế, nhất là khi Hiệp định TPP chính chức có hiệu lực. Theo bà, vấn đề này sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất của nông dân trong tỉnh?
Bà Đào Thị Lanh: Trước hết, có thể khẳng định khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội mới, nhiều lợi thế cho người nông dân, trong đó có nông dân Bình Phước. Nhưng đi kèm với đó là những rủi ro, sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nhà sản xuất nước ngoài khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được giảm bớt và loại bỏ.
Nếu sản xuất tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao, có tính đặc thù của vùng thì người nông dân sẽ được hưởng lợi rất lớn nhờ sự thông thoáng và mở rộng thị trường tiêu thụ, dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới, nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và rõ ràng.
Hồ tiêu ở Lộc Ninh đã xây dựng được thương hiệu (Ảnh: Vườn tiêu sản xuất theo hướng sạch của gia đình bà Phạm Thị Huyền ở xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh
Thực tế, đa phần người nông dân - vốn là đối tượng dễ bị “tổn thương” trong quá trình hội nhập vẫn chưa được trang bị nhiều kiến thức. Điều này dẫn tới năng lực cạnh tranh của một số mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu. Việc không được chuẩn bị kỹ để “hội nhập” sẽ khiến sản phẩm nội địa có thể bị thua ngay trên sân nhà. Một điều đáng chú ý là khi các nước thực hiện cam kết TPP, đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. Lúc này, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn - đây lại là một trong những điểm yếu đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng.
Muốn sản phẩm của tỉnh đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế thì yếu tố tiên quyết là phải xây dựng thương hiệu cho nông sản. Vậy Hội Nông dân tỉnh đã có những giải pháp gì để hỗ trợ nông dân về vấn đề này?
Bà Đào Thị Lanh: Không phải đến bây giờ, mà các ngành chức năng của tỉnh, trong đó có Hội Nông dân đã chủ động thực hiện các giải pháp giúp nông dân xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản từ nhiều năm nay. Trước tiên là hướng dẫn, giúp nông dân thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi. Tuyển chọn, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu như quýt đường, bưởi da xanh, xoài tứ quý, nhãn, sầu riêng, bơ sáp... của nông dân tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại... và trên trang thông tin điện tử của hội.
Về chính sách, hội đã tổng hợp kiến nghị, đề xuất với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh, hạt điều Bình Phước, sầu riêng Ba Đảo, bơ sáp Mã Dưỡng, nhím bạch, quýt đường, mật ong, măng tây xanh... Hội đã mời Trung ương Hội, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh trực tiếp đến tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả của nông dân. Đồng thời tổ chức các đoàn nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trong đó có 3 đoàn đi học tập về xây dựng thương hiệu tại Thái Lan và Trung Quốc.
Người nông dân chịu rất nhiều áp lực khi hội nhập, bởi muốn có những sản phẩm chất lượng, họ phải đầu tư rất lớn về công sức, tài chính. Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã và sẽ làm gì để hỗ trợ nông dân và giúp họ khẳng định bản lĩnh, gỡ khó khi hội nhập?
Bà Đào Thị Lanh: Với vai trò, trách nhiệm của mình trong thời gian qua, các cấp hội nông dân đã và sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền cho nông dân nắm được thời cơ, lợi thế của từng loại cây trồng, vật nuôi, ngành nghề sản xuất nông nghiệp thế mạnh và đặc thù của tỉnh. Chủ động khắc phục hạn chế và nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, nhất là trong xúc tiến thương mại vì đây là lĩnh vực nông dân còn rất yếu, chỉ trông chờ vào những doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản. Hằng năm, hội đều tổ chức hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, xúc tiến thương mại những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh đến với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Một vấn đề nữa là liên kết trong sản xuất, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, các cấp hội nông dân đã và tiếp tục thành lập nhiều tổ liên kết sản xuất, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho lãnh đạo các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập (đã tổ chức 4 lớp cho trên 400 lượt người). Ngoài ra, hội cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị về chính sách, cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chủ động vượt qua khó khăn trong hội nhập. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, các sở, ngành, nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị và xây dựng “liên kết 4 nhà” nhằm nâng cao khả năng hội nhập của nông dân.
Xin cảm ơn bà!
Hữu Dụng (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065