Bình Phước là một trong 9 tỉnh trên toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn triển khai dự án do Tập đoàn Google của Mỹ tài trợ với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2019. Bên cạnh vốn của nhà tài trợ, tỉnh cũng có chủ trương hỗ trợ kinh phí đối ứng khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đưa công nghệ ra vườn
Ngoài 60 tuổi nhưng hằng ngày bà Cấn Thị Ngãi ở thôn 9, xã Long Hà, huyện Phú Riềng đều đặn lên internet tìm hiểu các thông tin về xã hội, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật chăm sóc cây điều và giá cả thị trường... Với bà, điện thoại thông minh và internet trở thành người bạn không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp.
15 năm làm nghề trồng rau theo cách thủ công nên năng suất không cao, qua tìm hiểu trên internet, năm 2017, ông Phạm Văn Lâm ở thôn Thanh Long, xã Long Hà mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động trị giá 30 triệu đồng cho 5 sào rau ăn lá. Toàn xã Long Hà có khoảng 10 ha rau ăn lá, qua tìm hiểu thành viên trong nhóm chat tự tạo thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin đến nhau về nguy cơ dịch bệnh và cách phòng ngừa, cập nhật giá nguyên liệu đầu vào cũng như giá thành phẩm bán ra... giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm thiểu hậu quả do dịch bệnh gây ra. Hiện mỗi tháng ông Lâm thu khoảng 10 triệu đồng từ bán rau, hơn gấp đôi so với làm theo cách truyền thống.
12 ha bưởi da xanh của gia đình ông Lê Quang Tuyến, ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh phát triển xanh tốt nhờ chia sẻ kỹ thuật trồng giữa hội viên nông dân với nhau qua internet
Tổng diện tích cây nông nghiệp tại xã Long Hà khoảng 5.300 ha, trong đó cây điều 2.700 ha. Nhờ đa dạng hình thức hướng dẫn, phổ cập internet, đến nay có hơn 50% nông dân của xã biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để kết nối internet trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau, thậm chí là bán hàng qua mạng.
Trước đây làm nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm nhưng ngày nay như vậy chưa đủ. Thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng rất phức tạp, vì vậy phải cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ thuật hằng ngày. Cần thông tin gì, tôi chỉ mở điện thoại, gõ vào google là có ngay và có thể xem bất cứ khi nào cần. Khi chưa có internet, muốn tìm kiếm thông tin tôi phải đi thực tế học hỏi kinh nghiệm, vừa tốn sức lại mất thời gian, nay có điện thoại thông minh rất thuận tiện. Bà Cấn Thị Ngãi ở thôn 9, xã Long Hà, huyện Phú Riềng |
Mỗi tháng, cơ sở sản xuất điều rang muối Hải Nam, thôn Thanh Long, xã Long Hà do chị Bùi Thị Hậu làm chủ bán ra thị trường trên 60 tấn điều rang muối cho đối tác nước ngoài là Đài Loan, Trung Quốc. “Năm 2015, khi làm điều rang muối, ngoài tập trung xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, tôi tận dụng lợi thế của mạng xã hội như Zalo, Facebook để đăng thông tin quảng bá sản phẩm, nhờ đó nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện 70% đơn hàng của cơ sở đang xuất đi nước ngoài, còn lại là thị trường trong nước” - chị Hậu cho biết.
“Câu lạc bộ (CLB) Nông dân với internet xã Long Hà thành lập năm 2019 với 23 thành viên. Qua các buổi sinh hoạt, thành viên CLB đã biết sử dụng máy tính, máy in, điện thoại thông minh, khai thác các ứng dụng như Google Drive, Hangouts và các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook... Chúng tôi lập các nhóm Zalo, Facebook cho hội viên để trao đổi thông tin và chia sẻ những bài viết hay, mô hình làm ăn hiệu quả, nghiên cứu học hỏi, nhờ đó thu nhập nâng lên đáng kể”. Chị Vũ Thị Sáng, Chủ nhiệm CLB Nông dân với internet xã Long Hà chia sẻ.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Là một trong những hộ tiên phong trồng rau, dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP ở thị xã Bình Long, hằng ngày ông Nguyễn Hữu Thọ, thành viên Tổ hợp tác trồng rau - quả an toàn xã Thanh Phú đều đặn truy cập internet. Kết quả của những lần vào mạng không chỉ đem lại cho ông nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt mà còn là sự mạnh dạn quyết tâm, dám nghĩ, dám làm thông qua các mô hình đã tìm hiểu. “Tôi tự bỏ tiền đi học cách trồng rau sạch và hỗ trợ các hộ khác trong tổ cùng đi. Sau khi trồng, tôi lên mạng tìm mối tiêu thụ. Hiện các sản phẩm rau, quả tại vườn khi cắt bán đều được tôi đóng gói, in nhãn mác, hạn dùng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhập vào các siêu thị lớn như Aeon Bình Dương, chợ đầu mối Thủ Đức” - ông Thọ nói.
Toàn tỉnh có trên 80.000 hội viên nông dân, trong đó nhiều hội viên chưa có cơ hội tiếp cận với internet. Sau khi kết thúc dự án, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình CLB Nông dân với internet ngoại tuyến trong phạm vi toàn tỉnh, hướng đến mỗi xã có 1 CLB gắn với chi hội nghề nghiệp. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đào Thị Lanh |
Năm 2017, Dự án Google được triển khai thí điểm tại 2 xã để rút kinh nghiệm. Đến nay, dự án đã triển khai tại 11 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Phú Riềng và thị xã Phước Long giúp nâng cao trình độ công nghệ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp; Thành lập 19 CLB “Nông dân với internet” ngoại tuyến và 19 nhóm trực tuyến hoạt động hiệu quả dưới sự tài trợ của Tập đoàn Google và định hướng hoạt động của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Các cấp hội đã tổ chức 19 lớp tập huấn cho 475 cán bộ, hội viên, nông dân, chia sẻ, hướng dẫn 950 hội viên, nông dân biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và truy cập internet... Từ lợi ích thiết thực của dự án, trong 3 năm (từ 2017-2019), UBND tỉnh đã cấp ngân sách 760 triệu đồng để thực hiện dự án. Hiện nhiều xã, phường đã hỗ trợ hội trường, máy tính, bàn ghế... cho các CLB sinh hoạt định kỳ.
Qua các hoạt động của dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhiều hội viên nông dân biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet khai thác thông tin, kiến thức nông nghiệp áp dụng vào sản xuất, kinh doanh của gia đình. Điển hình như mô hình kinh tế của gia đình ông Đặng Văn Mười, thành viên CLB Nông dân với internet ngoại tuyến xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú; Hợp tác xã chăn nuôi heo sạch ở xã Long Giang (Phước Long); mô hình trồng sâm bố chính của anh Nông Văn Cường ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú... Điều đáng nói là nhiều thành viên CLB cho biết, dù dự án kết thúc, họ cũng sẽ tự nguyện đóng góp để duy trì hoạt động các CLB nhằm khai thác hiệu quả lợi ích của internet vào sản xuất, kinh doanh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065