>> Hội nông dân cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên
>> Đoàn kết - đổi mới - hội nhập - phát triển bền vững
>> Bí quyết thành công của hạt điều Thanh Minh Ngọc
BP - Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi ở thị xã Phước Long ngày càng đi vào thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực. Đời sống của nông dân ngày càng nâng cao, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, sinh hoạt xã hội cải thiện. Các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại phát triển mạnh, từng bước thay thế phương thức độc canh manh mún, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn nên số hội viên SX-KD giỏi đều tăng sau mỗi năm.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã cho biết: Giai đoạn 2012-2017, phong trào nông dân SX-KD giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Nhiều hộ đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp tạo vùng sản xuất lớn, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Điển hình như vùng trồng cây ăn trái vài trăm hécta ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín; cánh đồng trồng rau sạch ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang... Nhiều mô hình sản xuất mới áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, làm gia tăng chất lượng sản phẩm và tạo nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân SX-KD giỏi còn thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng bền vững của một hộ nông dân ở xã Long Giang
Từ phong trào SX-KD giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các mô hình mới như: Nuôi vịt trời của ông Nguyễn Văn Vương, nuôi nhím bạch của ông Nguyễn Chí Thành (Long Phước), trồng măng tây xanh của ông Nguyễn Chí Cương (Phước Tín)... đã phá vỡ thế độc canh các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Điển hình là hội viên Nguyễn Ba ở thôn Phước Lộc, xã Phước Tín. Từ một nông dân nghèo, ông cùng với chính quyền thành lập Tổ hợp tác Quyết Tiến gồm 19 thành viên tham gia sản xuất và tư vấn hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm trồng sầu riêng, nấm, tiêu theo hướng sinh học... doanh thu mỗi năm từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng/thành viên. Ông Đỗ Tấn ở khu phố 2, phường Thác Mơ kinh doanh, chế biến nông sản hạt điều, thu nhập hằng năm trên 1 tỷ đồng, thu hút 50 lao động với thu nhập ổn định. Ông Phạm Đức Thọ ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín sản xuất sầu riêng, nuôi cá, kinh doanh vựa cá ở trung tâm thương mại Phước Long doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng...
Theo đánh giá của Hội Nông dân thị xã, phong trào nông dân SX-KD giỏi tuy đã phát huy hiệu quả, nhưng chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, chưa làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên. Sự phối hợp với ngành chức năng và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới còn nhiều bất cập nên chưa thực sự khuyến khích nông dân mở rộng quy mô sản xuất. Sự đầu tư hỗ trợ về vốn ít, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư vào phục vụ sản xuất của nông dân. Nhiều mô hình có quy mô nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát, trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý yếu; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường...
Để phát huy hơn nữa hiệu quả phong trào, thời gian tới, Hội Nông dân thị xã sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư cho phát triển sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất với các loại hình phù hợp, gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh.
Mặt khác, quan tâm thúc đẩy liên kết giữa các mô hình SX-KD, giữa các hộ nông dân SX-KD giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất, tìm kiếm thị trường và làm cầu nối cho các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản. Chủ động phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề theo hướng gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi đúng hướng để nâng cao hiệu quả SX-KD, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, giàu. Gắn phong trào nông dân SX-KD giỏi với tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân...
N.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065