Nhận định của ông Lưu Thành Công hoàn toàn đúng và trúng với thực tế hiện nay. Do không nắm bắt được thông tin thị trường nên dẫn đến tình trạng thừa mứa nông sản, không tiêu thụ được, phải bán đổ bán tháo hoặc đổ cho trâu, bò ăn, vì thu không đủ bù chi. Vào tháng 5-2018, toàn huyện Phú Ninh (Quảng Nam) trồng hơn 490 ha dưa hấu, vượt 90 ha so với quy hoạch, dẫn đến còn hơn 2.000 tấn đến kỳ thu hoạch không có người mua. Hay vào tháng 10-2018, nông dân Bình Thuận và nhiều vùng khác điêu đứng vì thanh long rớt giá thê thảm, chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Thanh long chín đỏ tại vườn, nông dân phải tạm thời neo lại trên cây, nhưng vẫn không có thương lái hỏi mua, nhiều hộ đã thu hoạch phải ngậm ngùi đổ đống bỏ tại vườn.
Ở Bình Phước, hẳn nhiều người còn nhớ vào cuối năm 2016, do không tìm hiểu thị trường, nông dân 2 huyện Hớn Quản và Lộc Ninh đã lâm vào cảnh khốn cùng vì dư thừa hàng trăm tấn củ đậu không tiêu thụ được. Hay cũng do không nắm kỹ tình hình thị trường và nhu cầu tiêu thụ nên khi hồ tiêu được giá, nông dân đua nhau chặt bỏ cao su, điều để xuống giống hồ tiêu. Hiện giá tiêu “chạm đáy” và chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều nông dân đành phó mặc vườn tiêu cho trời, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thực tế cho thấy, vấn đề thông tin thị trường là yếu tố cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp. Hiện phần lớn nông dân chỉ trồng theo phong trào, chứ chưa biết loại nông sản nào phù hợp với nhu cầu của nước nhập khẩu hoặc thiếu thông tin về hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu. Hay đã có thông tin nghiên cứu thị trường, thông tin về khuôn khổ hội nhập, nhưng thông tin đó phục vụ thị trường và đối tượng nào, tần suất ra sao thì không rõ. Cũng vì thông tin cung cấp không đúng đối tượng, không được xử lý phù hợp đã gây tổn hại rất lớn về kinh tế cho người dân.
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng không chỉ được thị trường nội địa yêu thích, mà còn có cơ hội xuất khẩu rất lớn, nhất là những thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản... Tuy khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhưng nhu cầu nhập khẩu lớn và giá bán rất cao, thậm chí còn cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây còn là cơ hội để nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, hữu cơ, công nghệ cao. Đáng tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa tận dụng triệt để được cơ hội này.
Nguyên nhân sâu xa thì đã rõ, vấn đề là cách thực hiện như thế nào cho đúng và trúng. Đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải “xắn tay” cùng doanh nghiệp, nông dân xây dựng ngành nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững thay vì chỉ nêu “lý do” hay “hứa hẹn”.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065