Sáng tạo luôn luôn đặt lên hàng đầu
Chuẩn bị sang tuổi 51 nhưng ông Ngọc trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thực. Nhìn phong thái của ông, ít ai nghĩ đó là một “nhà nông chính hiệu”, có thể suốt ngày ngoài rẫy và làm việc giỏi đến thế. Có rất nhiều cách để làm giàu nhưng đối với những người nông dân chân đất như ông Ngọc, ngoài chăm chỉ, nỗ lực còn ở sự biết tận dụng thời cơ, khai thác thế mạnh sẵn có về mọi mặt, mạnh dạn “đi tắt, đón đầu” trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để thu về nguồn lợi cao nhất. Câu chuyện của ông chứa đựng quyết tâm, khát vọng vươn lên làm giàu bằng sự đam mê và những bước đi chắc chắn từ sáng tạo kết hợp khoa học, kỹ thuật và đổi mới không ngừng trong làm kinh tế.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc phát triển kinh tế từ cây mít Thái và củ khoai mỡ
Ông Ngọc chia sẻ: “Ở tuổi này, kinh tế dư dả chút ít nên nhiều người khuyên tôi nên nghỉ ngơi, suốt ngày ngoài vườn rẫy làm gì. Nhưng một ngày không ra rẫy, tôi chịu không được. Tôi thấy vui và khỏe hơn khi được làm việc, chứ có thấy vất vả, mệt nhọc gì đâu. Cuộc sống tự chủ, ổn định nên tôi thấy đó là niềm vui mỗi ngày. Có lẽ tôi gốc nông dân nên làm quen rồi không ngồi chơi được. Nhưng thời nào cũng vậy, phải biết vận dụng cái đầu, luôn sáng tạo trong công việc thì mới có thành quả. Tôi thấy bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải sáng tạo. Một lần làm là một lần sáng tạo, cái trước phải hơn cái sau, đúc rút kinh nghiệm từ việc làm trước để việc sau có kết quả tốt hơn. Đặc biệt không bao giờ được nản lòng trước thất bại...”.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em và tất cả đều tham gia nghĩa vụ quân sự nên mọi người trong gia đình ông yêu thương, đùm bọc nhau và cùng biết tự nỗ lực vươn lên. Năm 1991, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, từ Nghệ An, ông Ngọc vào Đồng Nơ phụ giúp anh trai làm ăn với dự định sẽ lập nghiệp ở đây. Sau 3 năm vừa phụ giúp anh trai vừa tích lũy kinh nghiệm, ông Ngọc lập gia đình và được anh trai cho 1,5 ha đất làm vốn. Ông Ngọc bắt đầu trồng cao su. Thời gian đó, ông xen thêm cây ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng chung lưng đấu cật từng bước thực hiện kế hoạch xây dựng tương lai.
Phải biết chịu khó và đam mê
Nghe ông Ngọc kể chuyện làm kinh tế, chúng tôi không khỏi khâm phục người con xứ Nghệ cần cù và giàu nghị lực. Ông cười: “Làm nghề gì cũng vậy, phải có đam mê, không ngại khó thì mới mang lại hiệu quả cao. Dù mỗi ngày tất bật nhưng tôi thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục phát triển trồng cây ăn trái và khoai mỡ quy mô lớn hơn”.
Ngoài 5 ha cao su, 3 ha trồng cây ăn trái chủ yếu là mít Thái và măng cụt, hiện gia đình ông Ngọc còn thuê khoảng 10 ha đất trồng khoai mỡ. Riêng phần thu nhập từ khoai mỡ đã đủ để gia đình trang trải cuộc sống. Kể về bí quyết làm giàu, ông Ngọc cho rằng, chăm chỉ cộng với sáng tạo và không nản trước thất bại thì sẽ có ngày thành công. Minh chứng cho những việc mình đã làm, ông cho biết: “Làm nông đừng bao giờ chạy theo phong trào rồi “trồng - chặt, chặt - trồng” vì giá cả hay nhu cầu thị trường, mình phải tính toán để có hướng ra cho sản phẩm các loại cây trồng mà mình đã theo. Là nông dân ở vùng Đông Nam bộ, có đất không lo nghèo mà sẽ từng bước giàu có, ổn định. Quan trọng nhất là chịu khó làm ăn, thường xuyên học hỏi từ sách, báo, internet và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, am hiểu thị trường để tính toán đầu ra cho sản phẩm mình làm ra”.
Chính vì biết tính toán làm ăn giỏi nên ông Ngọc được nhiều người dân trong xã tìm tới học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, trao đổi, mong nhận được lời khuyên trồng loại cây nào, giống gì phù hợp với từng hộ. Ông Ngọc không ngần ngại chia sẻ, phân tích tùy thuộc diện tích, loại đất để chọn cây giống đầu tư cho nguồn thu ổn định và không làm đất bạc màu...
Ông Ngọc chia sẻ thêm: Thời đại máy móc phát triển, phải biết sử dụng thay sức người, áp dụng hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, chứ chỉ “cày sâu cuốc bẫm” thì làm sao phát triển? Việc cày, đánh luống, lên vồng nên thuê máy, còn con người chỉ bỏ công chăm sóc, chọn đúng thời điểm để xuống giống mới giữ được sức khỏe và gắn bó với vườn rẫy.
Ông Ngọc thích làm nông còn vì tự cảm nhận, bản thân được tự chủ trong mọi việc. Với mỗi dự định mới, ông tham khảo người thân, người am hiểu về lĩnh vực đó và tìm thông tin trên mạng, sách, báo rồi quyết định mà không bị áp lực. Từ đó, ông luôn cảm thấy thư thái, khỏe khoắn, thêm sáng tạo trong công việc mình đã gắn bó và yêu thích lâu nay. Minh chứng từ cơ ngơi khang trang, hiện đại, có ôtô riêng để đi lại và chủ yếu làm nông bằng các phương tiện cơ giới đủ thấy nhà nông thời 4.0 như ông Ngọc rất đáng ngưỡng mộ và để học tập đến thế nào.
sống hết mình vì cộng đồng
Người dân ấp 4, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) được hưởng lợi từ đèn đường do gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc (trái) hỗ trợ
Bên cạnh “nổi tiếng” trong xã vì làm kinh tế giỏi, ông Ngọc còn được nhiều người biết đến bởi tấm lòng vì cộng đồng. Một thời phát triển kinh tế, đi lên từ lam lũ, cơ cực nên ông Ngọc rất đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Khi kinh tế gia đình ổn định, ông thường xuyên hỗ trợ bà con lối xóm, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động... Suốt 5 năm qua, ông luôn hỗ trợ xã Đồng Nơ làm đèn đường và đây là dự định mà ông sẽ định kỳ hỗ trợ mỗi năm 2km trong thời gian tiếp theo.
Ông Trần Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Đồng Nơ cho biết: “Hộ anh Ngọc không phải giàu nhất xã và số tiền hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi năm để làm đèn đường không quá lớn so với nhiều người nhưng việc làm của anh có ý nghĩa lớn lao. Điều đó có tác động mạnh mẽ tới phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, cùng góp phần đưa Đồng Nơ về đích vào năm 2019. Nhờ những người có tấm lòng như anh Ngọc mà người dân đi lại vào ban đêm, nhất là hộ đi cạo mủ cao su hằng đêm thêm yên tâm, an ninh trật tự ổn định và mỗi xóm làng về đêm thêm bừng sáng”. |
Những ngày này, sắc xuân đang ngập tràn muôn nơi, có dịp trò chuyện với những người nông dân thành công như ông Ngọc mới cảm nhận rõ hơn quyết tâm và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của họ để thêm yêu cuộc sống và tin tưởng hơn vào ngày mai. Còn riêng ông, chúng tôi tin rằng với sự cần cù, cùng niềm lạc quan, không bằng lòng với hiện tại, sự khá giả của gia đình ông Ngọc sẽ không dừng ở đây.
Cũng chính dám nghĩ, dám làm, biết lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn, lại biết sống vì tình làng nghĩa xóm, người dân trong ấp nên năm 2018, ông Ngọc đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhiều năm qua, chính quyền các cấp trong tỉnh tặng bằng khen, giấy khen ghi nhận thành tích của ông. Xuân mới đang về trên quê hương Bình Phước và xuân cũng đang mang lại thành công mới cho những người nông dân cần cù, sáng tạo như ông Nguyễn Văn Ngọc.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065