2 năm vừa qua, giá hồ tiêu liên tục tăng, trong khi giá mủ cao su, cà phê, điều lại giảm khiến nhiều nông dân trên địa bàn huyện Bù Đốp đua nhau chặt bỏ để trồng tiêu. Thực tế trên lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc sản xuất theo kiểu phong trào và vòng luẩn quẩn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
CHẠY ĐUA THEO PHONG TRÀO
Ông Trần Văn Lương, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Tân Phong, xã Tân Thành cho biết: “Thời gian qua, do giá hồ tiêu tăng cao nên rất nhiều hộ dân ở đây chặt bỏ cao su, cà phê để trồng tiêu và đó là những hộ có diện tích dưới 2 ha”. Ông Lương dẫn chúng tôi đi dọc theo các tuyến đường trong ấp, có rất nhiều diện tích cây cao su, cà phê bị người dân chặt bỏ không thương tiếc. Ông Nguyễn Văn Hoàn (60 tuổi), một nông dân có kinh nghiệm nhiều năm trong thâm canh cây trồng, cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng 5 sào tiêu, nhưng năm 2005 giá tiêu giảm mạnh, trong khi giá cao su liên tục tăng nên tôi phá tiêu trồng cao su. Cuối năm ngoái, mặc dù vườn cao su mới cho thu hoạch năm thứ hai nhưng giá giảm mạnh nên tôi đã chặt bỏ để trồng lại tiêu”. Theo cách tính của ông Hoàn, hồ tiêu trồng trên đất Tân Thành cho năng suất khoảng 5 tấn/ha. Với giá hiện nay 130 ngàn đồng/kg tiêu thì mỗi năm thu nhập trên 600 triệu đồng/ha. Trong khi 1 ha cao su chỉ cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm, bằng 1/10 hồ tiêu.
Nhiều hộ dân đã trồng tiêu dưới gốc cao su, chờ tiêu bén sẽ chặt ngọn cao su
Ở xã Tân Thành nhiều diện tích cà phê đã bước vào thời kỳ già cỗi cũng bị chặt bỏ để trồng tiêu, như hộ ông Nguyễn Văn Đức có 8 ha cà phê nay đang dần chuyển đổi.... Ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến nhiều hộ dân cũng vì lợi ích trước mắt mà chạy theo phong trào. Ông Trần Văn Tuân, Trưởng ấp cho biết, trước đây đa số người dân đều trồng tiêu, nhưng đến năm 2005, 2006 giá tiêu xuống thấp, cộng với dịch bệnh nên đã chuyển sang trồng cao su. Nay cao su mất giá lại chặt để trồng tiêu. Riêng đầu năm nay đã có hàng chục hộ chuyển đổi cây trồng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp, năm 2012 diện tích cây hồ tiêu trong toàn huyện tăng 198 ha so với năm 2011 (2.007/1.809 ha). Và với xu thế như hiện nay thì con số sẽ còn tăng lên rất nhiều.
NHỮNG HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG
Thực tế cho thấy nhiều hộ có diện tích đất ít nhưng nhiều lao động thì việc chuyển đổi mục đích đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân khi được mùa, được giá. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, nông dân đã ồ ạt chuyển đổi cây trồng mà không quan tâm đến đặc điểm thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc, diễn biến thị trường và tình hình dịch bệnh. Hậu quả đã có không ít gia đình phải “ôm trái đắng”.
Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh với 35 năm kinh nghiệm trong thâm canh cây trồng, thế nhưng năm 2011, gia đình ông Trần Văn Tuân (Trưởng ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến) phải “sốc” khi dịch bệnh đã làm chết gần 3.000 nọc tiêu đang cho thu hoạch. Ông Tuân cho biết: “Mặc dù tôi đã sử dụng mọi biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ bệnh nhưng không thể cứu vãn”. Theo ông đây là bệnh dịch chết nhanh (phát tán nhanh, chết cũng nhanh). Loại bệnh này gieo họa mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm và không thể kiểm soát được. Hiện bệnh dịch này chưa có thuốc đặc trị và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Cùng thời điểm đó hộ ông Nguyễn Xuân Hữu (ấp phó) cũng bị chết gần 2.000 nọc, hộ ông Bùi Quốc Hồng chết 600 nọc...
Trong mấy năm trở lại đây thời tiết luôn biến động thất thường nên lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra, trong khi cây tiêu lại là cây chịu úng, chịu hạn kém. Vì thế, nếu trồng tiêu ở khu vực không chủ động được nguồn nước tưới, tiêu thì thất bại là khó tránh. Hơn nữa, tiêu là loại cây trồng đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn so với các loại cây khác. Theo ông Tuân, để đầu tư 1 nọc tiêu cho đến khi thu hoạch, nông dân phải mất 1 triệu đồng, còn nếu 1 ha thì phải tốn tiền tỷ. Vì thế nếu “thuận buồm xuôi gió” thì thu hồi vốn nhanh, còn không thì sạt nghiệp.
Chuyện người dân đua nhau trồng khi được giá, rồi chặt bỏ khi rớt giá cứ tiếp diễn không biết bao nhiêu lần. Việc chạy theo cái lợi trước mắt không tính đến hệ lụy về sau có thể khiến các hộ nông dân đối diện với nhiều nguy cơ như chất lượng sản phẩm không đạt ảnh hưởng đến thương hiệu. đặc biệt là nông dân không tỉnh táo để nhận ra biến động ảo của lợi nhuận khi cung vượt cầu... và người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là họ.
CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG SỚM VÀO CUỘC
Làm giàu là khát vọng chính đáng của người nông dân, vì thế việc chạy theo số đông là điều dễ hiểu, bởi cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm, định hướng, bảo trợ đầu ra cho nông dân trước mọi diễn biến của thị trường và hình như từ trước đến nay chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện ngành vẫn dừng lại ở việc khuyến cáo mà chưa có kinh phí để xây dựng và thực hiện đề án quy hoạch vùng chuyên canh cây hồ tiêu. Tuy nhiên theo ông Đon, nếu có xây dựng đề án cũng khó thực hiện vì phần lớn diện tích hồ tiêu do người dân tự trồng và quản lý, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Để nông dân ổn định và có điều kiện làm giàu trên mảnh đất của mình đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, mang tính chiến lược lâu dài của các cấp, ngành và cả người nông dân.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065