Bù Đăng là một trong những huyện có diện tích điều lớn nhất tỉnh và là cây kinh tế chủ lực của người dân trong huyện. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, điều liên tục mất mùa, giá không ổn định nên đời sống nông dân gặp khó khăn. Do vậy việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị kinh tế đang là bài toán của nhiều nông dân huyện Bù Đăng.
Nuôi hươu, nai sinh sản và lấy nhung - một trong những hướng đi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân Bù Đăng - Ảnh: H.N
Là nông dân nhiều năm gắn bó với cây điều, song hiệu quả không cao, ông Võ Xuân Cung ở thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn đã đầu tư nuôi chim bồ câu. Tháng 5-2012, ông mua 50 cặp chim bồ câu về nuôi thử nghiệm. Sau hơn một năm nhân giống, đến nay đàn chim lên đến trên 300 cặp bố, mẹ với 4 loại giống: bồ câu Pháp, Mỹ, Nhật và Việt Nam. Các giống chim này có ưu điểm thích ứng tốt với khí hậu ở Bù Đăng và tỷ lệ sống cao. Bồ câu đẻ quanh năm, một cặp sinh sản 8-9 lứa/năm. Sau một tháng tuổi, chim con có trọng lượng từ 250 đến 300g có thể bán thịt. Với giá bán 120 ngàn đồng/cặp chim thịt và 300 ngàn đồng/cặp chim giống, ông Cung thu về khoảng 13 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 9 triệu đồng/tháng. Ông Cung khẳng định, nuôi chim bồ câu ít vốn nên hộ nghèo cũng nuôi được.
Ở thôn 4, xã Minh Hưng (Bù Đăng), ông Phạm Văn Đạo đã phát triển mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung, thay thế cho trồng điều và cao su. Năm 2010, ông Đạo mua 1 cặp nai giống 150 triệu đồng. Chăn nuôi thuận lợi do nai ăn được các loại lá, cỏ, rau, củ, quả. Nai lớn nhanh, khỏe mạnh, sau một năm đã có nhung và đến kỳ sinh sản. Nhận thấy có thể phát triển từ mô hình này, ông Đạo mua thêm nai giống, hươu sao. Ông cho biết: Nuôi 1 cặp nai giống với giá 150 triệu đồng, chỉ sau 2-3 năm có thể thu lại vốn. Vì giá thị trường hiện nay 2,5 triệu đồng/100g nhung, một cặp nhung nai có thể bán được 30 triệu đồng. Nai cái đẻ mỗi năm 1 con. Hươu sao cũng cho thu nhập tương tự.
Thời gian gần đây, giá các mặt hàng nông sản bấp bênh, đặc biệt là giá hạt điều thấp khiến nhiều hộ chuyển sang trồng cao su, tạo nên hiệu ứng lan truyền ở các địa phương. Tuy nhiên, hiện cũng có một số hộ chặt bỏ cây cao su để đầu tư mô hình khác, tác động tới tư tưởng của nông dân. Do vậy đa số nông dân mong Nhà nước có những chính sách bảo hộ giá các mặt hàng nông sản; thực hiện việc quy hoạch vùng phát triển chuyên canh cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh liên kết có hiệu quả giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Ông Hứa Phan Duy, Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Bù Đăng cho biết: Hội luôn ủng hộ tinh thần tự chủ, tự tìm hướng phát triển kinh tế của nông dân sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Hội cũng khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi cây trồng theo cảm tính, tránh tình trạng rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng. Đồng thời khuyến khích nông dân cải tạo vườn điều, cà phê già cỗi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065