Dòng “vàng trắng” không níu được cuộc sống người thợ cạo - Ảnh: H.C
Anh Nguyễn Văn Hoàng là một thợ cạo mủ cao su tự do có tiếng ở khu vực thị xã Bình Long, nhờ tay nghề cao nên mấy năm trước không lo thiếu việc làm. Hai vợ chồng Hoàng nhận 2 lô cao su cạo, thu gom mủ, úp chén, lột mủ khô... bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 16 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, chỉ một mình Hoàng có việc làm, còn vợ phải chạy chợ tìm kế sinh nhai. Hoàng cho hay: “Ngoài các chủ vườn còn có nhiều cặp vợ chồng công nhân nhận 2 lô cây thuê thợ cạo mủ. Bình quân mỗi lô 450 cây cao su. Những năm mủ được giá, lương công nhân cao, họ sẵn sàng chi hơn 70% lương/phần cây để thuê người cạo. Còn họ chỉ thu gom mủ nộp cho nông trường. Sau này, nhiều gia đình công nhân có vườn rẫy riêng, hoặc có điều kiện kinh tế nhưng vẫn nhận lô rồi thuê chúng tôi cạo, thu gom mủ để họ nộp cho đội sản xuất. Còn những việc khác như úp chén, lột mủ khô... thì chủ lô tự làm. Nhờ vậy, chúng tôi mới có thu nhập cao”.
Bình Phước hiện có 233.602 ha cao su, trong đó có gần 150.000 ha đang cho khai thác. Với diện tích cây cao su lớn như vậy, ngoài số công nhân của các nông trường, công ty, chủ vườn cao su tiểu điền, Bình Phước có một lượng không nhỏ thợ cạo mủ cao su tự do. Họ có thể được đào tạo bài bản về khai thác mủ, nhưng cũng không ít người hành nghề theo kinh nghiệm. Và cũng có một bộ phận không nhỏ làm việc theo thời vụ để tăng thêm thu nhập. |
Những năm trước, nhờ giá mủ cao nên dù chỉ là thợ cạo tự do, vợ chồng Hoàng đã mua được nhà và chuyển ra sinh sống tại thị xã Bình Long cuộc sống khá ổn định, có điều kiện để tích lũy vốn. Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước, còn năm nay do giá mủ xuống thấp, lương công nhân thấp nên công việc của vợ chồng Hoàng bị chững lại. Họ chỉ thuê Hoàng làm thợ cạo. Các chủ vườn cao su tiểu điền cũng giảm chi phí tối đa, chỉ thuê cạo, không thuê thu trút mủ nên thu nhập của Hoàng chỉ 100.000 đồng/lô 450 cây. Như vậy, mỗi tháng thu nhập của Hoàng chỉ còn 3 triệu đồng. Để tăng thu Hoàng phải nhận cạo 2 lô cây, tương đương 900 cây cao su mới có được 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do 2 phần cây ở hai địa bàn khác nhau nên phải làm việc từ 12 giờ đêm đến sáng. Hoàng nói: “Thời gian này, nếu nhận cạo 2 lô cây của công nhân còn đỡ, bởi chỉ cạo một miệng ngả. Còn làm thuê cho các chủ vườn họ tranh thủ nâng sản lượng khi giá mủ thấp buộc phải cạo hai miệng (miệng sấp, miệng ngả) mất gấp đôi thời gian trong khi tiền công khoán lô như nhau”.
Anh Dũng ở ấp Sở Líp, xã Phước An (Hớn Quản) nói: “Một thợ cạo mủ giỏi cạo một lô cây mất từ 2-2,5 giờ. Nếu chủ lô giao cho thợ cạo bao lô thì phải trả công 200 ngàn đồng/lô. Nay giá mủ thấp, lương công nhân thấp nên họ chỉ thuê thợ cạo là chính. Còn thu gom mủ thì chủ lô tự làm để giảm tiền công. Do vậy, thu nhập của những thợ cạo như chúng tôi rất bập bênh”.
Những năm trước, đây là thời điểm chủ vườn hay hộ công nhân đều tất bật lo tết, sửa sang nhà cửa, họ sẵn sàng thuê thợ cạo bao lô với giá cao. Năm nay, kinh tế khó khăn, cộng với giá mủ thấp nên cuộc sống, việc làm của người thợ cạo mủ cao su tự do hết sức khó khăn, nhất là dịp tết Nguyên đán đang cận kề.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065