PHÁT HUY TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA HỌC SINH
Triển khai thí điểm mô hình VNEN, thị xã Đồng Xoài chọn hai Trường tiểu học Tân Bình B và Tân Xuân B để thí điểm. Hết chương trình tiểu học, các em được chuyển lên học tại 2 Trường THCS Tân Bình và Tân Xuân.
Cô Hà Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Bình B cho biết: Năm học 2012-2013, trường được Phòng GD-ĐT chọn thí điểm dạy mô hình VNEN trên diện rộng cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Năm học 2014-2015, có 60 học sinh hoàn thành chương trình thí điểm VNEN cấp tiểu học. Đây là lớp có học sinh học tiếp chương trình VNEN bậc THCS. Qua 3 năm đào tạo, các em đã rèn được tính chủ động trong học tập, phát huy khả năng tư duy cá nhân và linh động làm việc theo nhóm. Mô hình này được xem là học thực, chất lượng thực. Tuy nhiên, để học được chương trình này ngay khi học xong lớp 1 các em phải đọc thông, viết thạo.
Học sinh lớp 2/2, Trường tiểu học Tân Bình B phát biểu xây dựng bài theo chương trình VNEN
Khi được chọn học thí điểm, mỗi trường sẽ nhận được 1.000 USD/năm từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Nguồn kinh phí này dùng để trang trí lớp học, sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên dạy. Thấy tính hiệu quả bước đầu của mô hình, Phòng GD-ĐT thị xã đã chỉ đạo nhiều trường tiểu học triển khai nhân rộng. Đó là các trường tiểu học: Tân Phú, Tân Bình, Tân Phú B. Nguồn kinh phí thực hiện dạy theo chương trình VNEN đều do các trường tự xã hội hóa.
Là người tiếp nhận học sinh học VNEN ở cấp THCS, cô Nguyễn Thị Ngoan, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A6, Trường THCS Tân Xuân cho biết: Năm học này, lớp tôi có 37 học sinh là những em đã hoàn thành chương trình VNEN bậc tiểu học. Có thể nói, sau 3 năm được học chương trình mới, các em năng động và khả năng làm việc theo nhóm rất tốt. Lớp có khoảng 30% học sinh học lực khá, giỏi, không có học sinh yếu, kém. Lượng kiến thức ở bậc THCS khá lớn, nếu các em có học lực trung bình không chủ động tìm kiếm kiến thức và quan sát bạn bè thì việc tiếp thu rất khó. Đặc biệt ở mô hình trường học mới này, học sinh học lực trung bình yếu hoặc yếu rất dễ dẫn đến thói quen lười, không chủ động học và ỷ vào kết quả làm việc của nhóm.
NHIỀU HỌC SINH MẤT CƠ HỘI HỌC VNEN
Mặc dù chương trình VNEN triển khai ở bậc tiểu học có nhiều ưu điểm nhưng khi thí điểm ở bậc THCS bước đầu xuất hiện nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Toàn thị xã Đồng Xoài hiện chỉ có 2 lớp VNEN ở bậc THCS với 80 học sinh. Trong khi đó, tổng số học sinh hoàn thành chương trình VNEN ở bậc tiểu học không dưới 100 em. Điều thiệt thòi đầu tiên là nhiều học sinh đã theo học chương trình VNEN cấp tiểu học phải bỏ ngang ở bậc THCS. Thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giảng dạy, các học sinh rèn được kỹ năng tự học ở cấp 1 buộc phải quay về với chương trình học truyền thống. Điều này dẫn đến phụ huynh lo lắng con em mình sẽ không theo kịp lượng kiến thức và cách học cũ. Giải thích điều này, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Bình B cho biết: Nếu so sánh thì kiến thức giữa chương trình VNEN với chương trình phổ thông không có gì khác biệt. Tuy nhiên, học sinh học theo chương trình VNEN có điều kiện tiếp cận với phương pháp học mới, các em là trung tâm, chủ động đi tìm kiến thức trong quá trình học. Giáo viên chỉ định hướng, giúp đỡ, củng cố kiến thức cho học sinh trong quá trình dạy và học.
ĐƯỢC THEO HỌC NHƯNG VẪN SỢ
Ngoài cơ sở vật chất, vấn đề khiến nhiều giáo viên quan tâm hiện nay là việc dạy theo chương trình VNEN ở bậc THCS khác hẳn bậc tiểu học. Trường THCS Tân Xuân tiếp nhận một lớp VNEN với 37 học sinh. Tuy nhiên, qua hai tuần đầu của năm học mới, các em vẫn chưa chủ động hoặc quá bỡ ngỡ với chương trình ở bậc THCS. Khi học chương trình VNEN ở bậc THCS, việc tích hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đã gây ra tâm lý băn khoăn cho phụ huynh và giáo viên. Ở bậc tiểu học, giáo viên có thể dạy tích hợp nhiều môn nhưng sang THCS, giáo viên lại chuyên biệt từng môn. Trong khi đó, tài liệu sách giáo khoa học theo chương trình VNEN lại tích hợp 2 môn: Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (Sử, Địa), cùng một số môn như: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Công nghệ, Tin học, Thể dục. Với tài liệu học như vậy, buộc mỗi giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên phải vững kiến thức cả 3 môn mới có thể đứng lớp. Trong khi đó, đa phần giáo viên bậc THCS chỉ được đào tạo theo từng môn chuyên biệt, không có sự tích hợp các môn như sách giáo khoa. Trước khi đứng lớp VNEN, mỗi giáo viên ở bậc THCS chỉ được tập huấn 3-5 ngày. Nội dung tập huấn chủ yếu là phương pháp giảng dạy.
Thầy Nguyễn Viết Tuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Xuân cho biết: “Trước mắt, chúng tôi vẫn sắp xếp thời khóa biểu để giáo viên từng môn lên lớp sao cho hiệu quả. Theo tôi, chương trình này chưa nên áp dụng đại trà cho bậc THCS. Bởi chúng ta còn thiếu nhiều thứ, trong đó thiếu nguồn nhân lực theo chuẩn của chương trình VNEN là điều đáng quan tâm. Thiếu cơ sở vật chất cũng ảnh hưởng rất lớn đến nội dung giảng dạy theo chương trình VNEN. Đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có thông tư hướng dẫn đánh giá học sinh học VNEN bậc THCS. Điều này khiến một số giáo viên lúng túng khi nhận sách, soạn bài giảng và tổ chức các hình thức kiểm tra đối với học sinh. Xa hơn, các em sẽ thiệt thòi khi thi tuyển đầu vào cấp 3 ở khối trường chuyên, lớp chọn”.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065