VƯỢT KHÓ
Cách điểm chính khoảng 13km, vào ngày mưa gió, giáo viên điểm lẻ Lam Sơn, Trường tiểu học Đồng Tâm B, huyện Đồng Phú phải lặn lội hơn 2 giờ mới tới nơi. Con đường gập ghềnh với những ổ voi, ổ bò, nhiều đoạn “sống trâu” thách thức người đi đã hàng chục năm vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa.
Cô Nguyễn Thị Dung trong giờ lên lớp
Ra trường, cô Nguyễn Thị Dung, quê ở Đắk Lắk xung phong vào dạy tại điểm lẻ Lam Sơn nay đã được 3 năm. Điểm trường có 5 lớp với 2 dãy phòng học cấp 4 và 2 phòng tập thể cho giáo viên. Thế nhưng, do hàng rào và cổng tạm bợ, không có người trông coi nên các cô phải ở nhờ nhà dân. Đi lại vất vả, thực phẩm ăn uống hằng ngày càng thiếu thốn hơn. Ở đây chỉ lèo tèo vài tiệm tạp hóa nhỏ nên các thầy cô ở xa phải mang theo cơm trưa hay vài cái bánh, củ mì để lót dạ qua bữa. Cuộc sống đạm bạc nhưng cô Dung và đồng nghiệp vẫn tiết kiệm chi tiêu để dành tiền lương mua vở, dụng cụ học tập, quà bánh “dụ” trò đến lớp.
Điểm trường trong khu định canh định cư có 61 hộ dân ở ấp Thạch Màng thuộc Trường tiểu học Tân Lợi, xã Tân Lợi (Đồng Phú) cách thị xã Đồng Xoài không xa. Thế nhưng, với người dân thì chuyện học tập của con em không quan trọng bằng việc đi rừng hái măng, lên rẫy mót điều, mì. Vì vậy, ngoài chuyên môn, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, khéo léo thuyết phục gia đình cho con đến lớp. Cô Bùi Thị Bích, giáo viên Trường tiểu học Tân Lợi cho biết: “Dạy học cho con em DTTS, giáo viên phải nhẹ nhàng chỉ bảo, nếu không các em sẽ nghỉ học. Phụ huynh không cần biết người dạy dỗ cho con em mình là ai. Chúng tôi muốn trao đổi với phụ huynh điều gì cũng khó vì suốt ngày họ lên rừng, đi rẫy, cũng có trường hợp người dân đi nhậu say về ghé vào lớp, ngồi trêu ghẹo giáo viên...”.
TẬN TÂM VỚI HỌC TRÒ
Khó khăn, vất vả là thế nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy cô giáo vùng sâu, xa vẫn miệt mài dìu dắt vừa dạy chữ vừa tuyên truyền, vận động.
Dạy ở điểm lẻ, giáo viên chịu nhiều thiệt thòi so với điểm chính: đường xa, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần; ít có cơ hội được cọ xát, học hỏi đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng nhận thức của học sinh thấp và không đồng đều; hằng tuần phải dạy phụ đạo miễn phí cho học trò... Không chỉ vậy, giáo viên còn phải trích tiền lương mua quà bánh, sách vở để khuyến khích các em theo học. |
Cô Bích kể: “Không thấy trò đến lớp, giáo viên tìm đến nhà, phụ huynh nói ngắn gọn: “Cô ơi, nó nghỉ rồi. Nó không muốn đi học nữa đâu”. Với những trường hợp bất hợp tác như thế, các cô đành quay về nhờ ban ấp và các tổ chức hội, đoàn thể vận động thêm”. Ngoài ra, điểm lẻ ít học sinh nên giáo viên phải ghép lớp. Dạy xong lớp này, giáo viên cho học sinh làm bài tập rồi quay sang dạy lớp khác. Những năm đầu dạy lớp ghép, một số giáo viên chưa quen nên phát ốm vì xoay xở bên này, bên kia. Không chỉ vậy, do đa phần học sinh ở đây không được học mầm non nên bước vào lớp 1 mới làm quen với chữ cái. Nhiều học trò đến trường còn đưa em đi theo. Vừa học vừa trông em nên giáo viên rất vất vả để ổn định lớp.
Theo thầy cô dạy ở điểm lẻ, học trò vùng sâu là con em đồng bào DTTS có rất nhiều lý do để bỏ học như: không có sách vở, trông nhà, chăm em, chán học hoặc theo ba mẹ đi mót điều, đào củ mì. Hết mùa vụ, lúc rảnh rỗi hay khi vui mới quay lại lớp. Bởi vậy, giáo viên phải hiểu tâm lý, nguyên nhân các em bỏ học để có cách hỗ trợ, vận động học sinh trở lại lớp. Với những em bỏ học vì thiếu sách vở, giáo viên phải mượn của thư viện trường hoặc bỏ tiền túi ra mua tặng. Những em không có tiền đi học, giáo viên kiến nghị trường miễn giảm. Đối với em học lực yếu, thầy cô sẽ dạy phụ đạo mà không thu tiền... Bằng những giải pháp như thế, năm học 2014-2015, ở điểm lẻ Lam Sơn không có học sinh bỏ học giữa chừng.
Đáp lại tình cảm của thầy cô giáo, dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11), một số em đã biết thăm hỏi, chúc mừng thầy cô... Đây là nguồn động viên lớn để giáo viên có thêm nghị lực gắn bó với nghề “gieo chữ” ở nơi còn nhiều khó khăn.
Minh Khánh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065