BP - Ngày 19-9-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến về báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ năm 2017. Thời điểm diễn ra cuộc họp chỉ sau khi các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử vài ngày. Đó là vụ sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương làm thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng; vụ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trị giá 5 tỷ đồng cùng hoạt động hối lộ 7,5 tỷ đồng cho bác sĩ tại các bệnh viện lớn thông qua hình thức “hoa hồng” của Công ty cổ phần VN Pharma...
Việc đưa ra xét xử những vụ đại án thời gian gần đây đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, thông qua xét xử cũng cho thấy những nghi ngờ của dư luận về “lợi ích nhóm”, “sân sau” của những người có chức, có quyền là hoàn toàn có căn cứ. Thậm chí có người cho rằng số vụ được phát hiện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số những vụ tham nhũng. Dẫu Chính phủ đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, song việc chống tham nhũng vẫn còn hình thức, hiệu quả thấp. Đặc biệt, tình trạng hối lộ bằng quà tặng, “hoa hồng” diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Việc nộp lại “quà tặng” theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ được thực hiện sau khi phát hiện sai phạm. Nhiều người bức xúc trước việc Công ty cổ phần VN Pharma chi 7,5 tỷ đồng “hoa hồng” cho bác sĩ để nâng giá thuốc vô tội vạ và tuồn thuốc kém chất lượng vào các bệnh viện. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam hiện nay, dường như không có một giao dịch nào không có “hoa hồng”. Năm 2014, Công ty Bio-Rad Laboratories của Mỹ khai nhận với cơ quan chức năng là đã hối lộ những người có trách nhiệm trong ngành y tế 2,2 triệu USD để đổi lấy các hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế và hóa chất cho bệnh viện ở Việt Nam. Cũng năm này, Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản khai nhận đã hối lộ một số quan chức ngành đường sắt gần 800.000 USD để được nhận những hợp đồng tại Việt Nam... Và còn nhiều, rất nhiều những vụ hối lộ khác mà người ta vẫn dùng hình thức “hoa hồng” để hợp thức hóa.
Không chỉ những hợp đồng kinh tế lớn mới có “hoa hồng”. Vào đầu mỗi năm học, bên cạnh những khoản thu đầu năm làm đau đầu phụ huynh, nhiều trường còn yêu cầu học sinh phải sử dụng áo quần và cả đồ dùng học tập như cặp sách, vở, giày dép... “đồng phục”. Những gia đình đã sắm đồ cho con không chỉ mất thêm một khoản tiền mà còn tốn thời gian đi sắm sửa lại đồ dùng học tập. Rồi tình trạng lập lờ kê thêm mục bảo hiểm thân thể cho học sinh vào các khoản phải nộp đầu năm học để ép phụ huynh phải mua “cho yên thân”. Đã có những học sinh phải “trả giá”, bị nhà trường mời lên phòng giám hiệu hoặc đội sao đỏ không cho vào lớp chỉ vì phụ huynh không chịu mua đồng phục của nhà trường.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các thầy cô lại sốt sắng với việc bắt học sinh phải “đồng phục” đủ thứ như vậy? Nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy thì sao lại sốt sắng giới thiệu, định hướng học sinh mua bảo hiểm của hãng này, hãng kia? Câu trả lời duy nhất đúng là “hoa hồng”. Các thầy cô quản lý đều có tỷ lệ phần trăm, được đài thọ những chuyến du lịch miễn phí, được tặng quà... từ doanh số mua bảo hiểm, mua đồng phục học sinh của trường mình.
Hoa hồng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu, sự thuần khiết lại đang bị lợi dụng, bị mượn tên để làm khổ nhiều người!
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065