Thắng Còm đang bực mình vì “Thằng dở hơi” đến muộn liền gân cổ cãi: Này, đừng đổ thêm dầu vào lửa nhá. Năm ngoái tôi bảo mồng bốn, nhưng “Thằng dở hơi” nó bảo muốn gặp nhau trước tết để ngoài việc tài trợ buổi họp mặt, nó còn muốn có quà tết cho cả lớp nên tổ chức trước tết thì hơn. Sao lúc nghe đến quà tết thì mấy bà im thin thít, giờ lại đổ lên đầu tôi hả? Đám đông đang ồn ào thì chiếc xe hơi đen bóng nhoáng từ từ tiến vào nhà hàng. Một người đàn ông sang trọng, tay xách cặp da bước xuống. Đám đông ồ lên, thằng dở hơi đến rồi! “Thằng dở hơi” là biệt danh của Sơn, thành viên trong lớp. Hồi còn đi học, Sơn chúa hay có những phát ngôn và việc làm khác người nên bị gọi là dở hơi. Ví như gặp người ăn xin, chỉ cần một người cho tiền thì cả đám ai cũng lục tìm tiền lẻ trong bóp, để không ai nói mình keo kiệt. Riêng Sơn mặt mày lạnh te, chẳng động đậy một ngón tay, còn bảo nếu muốn người ta thoát kiếp ăn xin thì đừng cho tiền. Rồi khi thầy chủ nhiệm tư vấn cho những học sinh có lực học trung bình trong lớp thi vào sư phạm mới có khả năng đậu đại học thì Sơn đứng lên nói tưng tửng: Thầy làm thế mai mốt đám “trung bình” này thành nhà giáo tuốt thì ngành giáo dục đào đâu ra học sinh giỏi! Vì câu nói ngang như cua đó mà năm lớp 10 Sơn bị phê học bạ là tư cách đạo đức kém. Ai dè dở hơi thế mà giờ là doanh nhân, thuộc hàng có máu mặt ở thị xã.
Bị mọi người đổ xô cật vấn sao chủ trì triệu tập mọi người mà lại đến trễ, chàng giám đốc mệt mỏi ngồi vào vị trí chủ tọa, bảo cho tôi thở cái đã. Thắng Còm hỏi đểu, bị vợ phát hiện có bồ hay sao mà mặt mày trông “suy thoái” thế? Sơn xua tay, nói không sung sướng, phè phỡn đến thế. Tôi đang đau đầu vì chưa đẩy được cái đám này đi đây. Vừa nói Sơn vừa mở cặp lấy ra một xấp bao thư đã dán kín và đề tên từng người đặt lên bàn. Tám Lé mắt sáng lên, sán lại cầm xấp bao thư lên hít hít và bảo toàn mùi kim tiền, tao chỉ cần một cái thế này là đủ sắm tết. Giám đốc Sơn châm thuốc, rít một hơi dài rồi thở hắt ra, bảo chán ông bỏ mẹ. Đây là “đồ cúng”, hiểu chưa?
Thấy Tám Lé mắt chữ a, miệng chữ o, Sơn giải thích: làm ăn bây giờ khó quá. Mật ít ruồi nhiều. Mình cũng muốn đàng hoàng, thẳng lưng mà bước, nhưng mấy lần cứ cửa chính xông vào đều bị bật ra hết. Giờ mình “thuộc bài” rồi. Không tìm đường vòng, “đi đêm” thì đừng hòng có được dự án. Mà không có dự án thì không có việc, lấy gì trả lương cho hàng trăm công nhân!?
Thức ăn và bia rượu được dọn ra, nhưng không khí buổi họp mặt có phần chùng xuống. Đám phụ nữ rì rầm bàn tán, cứ tưởng làm giám đốc như ông Sơn thì chỉ việc ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón sẽ có người cơm bưng nước rót. Ai dè cũng khổ nhỉ! Sơn mát mẻ, cảm ơn mấy bà chị đã thương cảm thằng em. Khổ đã đành, còn nhục nữa. Thắng Còm cầm ly bia đến cụng với Sơn rồi nói mát, ước gì tôi được khổ như ông. Sáng lượn siêu xe đi cà phê, trưa đi nhà hàng, chiều xách vợt ra sân chơi ten-nít, tối đi chém gió với mấy em! Sơn rên lên, bảo đến ông mà còn nghĩ thế. Tôi đau dạ dày mà vẫn phải làm ra vẻ ghiền nhâm nhi cà phê. Cầm vợt ra sân không phải để vui với trái banh nỉ mà để “cá” và “thua độ” sếp, để được chịu phạt tại mấy nhà hàng. Mỗi lần sếp hạ cố tới phải nát óc chọn những món “độc” để không lần nào đụng hàng. Còn mấy em “cành cao” ấy, tôi chỉ “chém gió” chứ nào được “vén mây”. Đừng nghĩ oan cho tôi thế.
Rồi Sơn bảo, một thằng ngang tàng như tôi mà nhiều bữa cứ phải thập thò, lấm lét trước cửa nhà mấy sếp như thằng ăn trộm. Những dịp như Noel, tết Nguyên đán, sinh nhật sếp hoặc vợ, con sếp là dịp để các doanh nghiệp chạy thi ma - ra - tông. Rồi còn phải căng óc phán đoán xem dự án đó có những đối thủ nào cạnh tranh với mình, ý thích của sếp là gì để chọn hình thức tặng quà bằng hiện vật cho “tình cảm” hay bằng cách gọn nhẹ khác.
Dốc cạn ly bia, chàng giám đốc kể, có một địa chỉ mà mình đã tới hai lần vẫn chưa dứt điểm được. Lần đầu không gặp phu nhân sếp ở nhà nên không thể triển khai, vì sếp không bao giờ trực tiếp nhận quà. Lần hai vừa đến cổng thì gặp ngay đối thủ nên mình phải dông thẳng. Thắng Còm láu táu: Sợ gì, cứ xô cửa xông vào liều mình như chẳng có chứ. Ông không vào chả hóa ra nhường dự án cho đối thủ à? Sơn cười, bảo ông ngây thơ bỏ mẹ. Cái cửa ấy cực kỳ quan trọng nên tôi phải ém quân, lùi một bước để tiến hai ba bước. Tôi giao nhiệm vụ cho tài xế rủ rê thằng tài của đối thủ đi nhậu một bữa tơi bời rồi khai thác xem sếp nó đã làm gì, kết quả công việc ra sao để mình ra đòn quyết định.
Vừa lúc ấy, điện thoại của Sơn rung lên bần bật, trên màn hình hiện lên hai chữ Chị Năm. Sơn vồ lấy điện thoại, giọng ngọt như mía, thưa chị em đây ạ. Chẳng biết đầu dây bên kia nói gì, chỉ nghe tiếng Sơn dạ dạ rối rít, không có gì đâu chị, tấm lòng của em thôi mà. Em thành tâm chúc anh chị và hai cháu có một chuyến du lịch châu Âu cực kỳ vui vẻ, thoải mái trong những ngày đầu xuân.
Bỏ điện thoại, Sơn cười ha ha, bảo giờ tôi có thể đảm bảo đến chín mươi chín phần trăm cái dự án gần hai chục tỷ ấy là của mình rồi. Nào, cạn ly. Không khí buổi họp mặt hứng khởi trở lại. Tiếng ly thủy tinh cụng nhau côm cốp. Ai cũng trăm phần trăm để chúc mừng cho sự khởi đầu năm mới suôn sẻ của thằng bạn giám đốc. Thắng Còm giơ hai tay đề nghị mọi người im lặng rồi trịnh trọng tuyên bố: Lâu nay, tôi cứ tưởng làm giám đốc thì sung sương lắm. Ai dè thuyền to thì sóng lớn. Nhân danh lớp trưởng, tôi yêu cầu từ nay không ai gọi thằng Sơn là dở hơi nữa. Nó tỉnh táo đến phát sợ chứ dở hơi gì.
TN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065