BP - “Muốn hiểu về đá, trước hết phải hiểu về nghệ thuật, hiểu về triết lý âm dương, ngũ hành trong vũ trụ. Bởi đá là tinh hoa của vũ trụ bao la, là tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa dành tặng riêng con người. Nó được kết tinh từ những nguyên tố trong vũ trụ rồi trải qua quá trình trầm tích hàng triệu triệu năm mới thành khoáng vật của đất trời mà chúng ta hay gọi là đá. Ngay từ thuở xa xưa, các vua, chúa thời phong kiến đã biết dùng đá đính trên áo, mão của mình như một vật thể để thu hút tinh khí đất trời trị vì thiên hạ” - người ngộ đá Nguyễn Kim Vũ ở khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú thổ lộ.
NGỘ ĐÁ
Thích đá, yêu đá rồi chơi với đá âu cũng là cái duyên của mỗi người. Năm 2008, ông Nguyễn Kim Vũ, Trưởng phòng Tổ chức của Nông trường cao su Tân Lợi được công ty điều động lên tỉnh Đắk Nông thiết kế vườn cây thời kỳ tiền kiến thiết cơ bản. Trong quá trình khai hoang phá núi, ông liên tục gặp những thân cây hóa đá mà người đời hay gọi là thạch mộc. Một trong những thân cây ấy được ông mang đến thợ đá ở Đắk Lắk để tìm hiểu. Sau khi được thợ đá mài giũa, những vân cây như đá có hình thù kỳ bí mê hoặc lòng người đã khiến ông yêu thích đá từ đó. Từ đá hóa thạch rồi đến đá sa phia, thạch anh, opal, mã não trên mọi miền Tổ quốc đều được ông sưu tầm mang về chiêm ngưỡng. Chưa dừng lại ở đó, ông được thợ đá ở Đắk Lắk truyền chỉ bí quyết nhận biết đá thật, đá giả và cả việc chế tác tác phẩm nghệ thuật từ đá. Cắt, đẽo, mài, gọt từ những viên đá thô ráp thành một tác phẩm nghệ thuật là cả một quá trình 7 bước mà bất kỳ thợ đá nào cũng phải trải qua. Những cục đá xù xì, thô kệch sau khi mài giũa lộ ra hình hài bóng loáng lúc ẩn, lúc hiện dưới ánh nắng mặt trời muôn màu, muôn vẻ làm mê hoặc lòng người. Và rằng, mỗi viên đá, mỗi loại đá có một trường sinh học, một tia xạ, một khối lượng riêng gắn liền với thuyết âm dương ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong vũ trụ. Tùy theo từng mệnh người sử dụng mà nó có thể giúp con người sảng khoái hoặc u mê trong cõi đất trời vô biên.
Nét đẹp của những viên đá thạch anh, đá thủy tinh và mã não do chị Nguyễn Thị Tuyết ở khu phố 2, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài sưu tầm
Vẻ đẹp kỳ bí từ đá bán quý mã não thuộc trường phái besuki được ông Nguyễn Văn Tâm ở khu phố 2, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài sưu tầm
“Cái đầu già nó thích, nó tự nhiên đến giống như cây đinh lăng lâu ngày sinh ra thuốc vậy. Nó là một tác phẩm nghệ thuật được tạo hóa chế tác qua hàng triệu triệu năm mà thành. Đời người so với đá có là bao!”. Đó là cách cảm nhận về đá của ông Nguyễn Văn Tâm ở khu phố 2, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài. Ông đến với đá và ngộ ra đá sau niềm đam mê những gốc mai rừng. Chuyện rằng: Năm 2006, trên đường sưu tầm mai rừng dọc theo phía thượng nguồn suối Nhung, ông Tâm vô tình gặp một cây mai lớn lên từ phía dưới của một tảng đá. Để lấy được gốc mai ấy, buộc ông phải đập vỡ tảng đá kia. Đâu ngờ rằng, khi đập vỡ đá ông vỡ òa khi tận mắt nhìn những hoa văn thiên biến vạn hóa toát lên từ bên trong tảng đá. Ông mang cả đá và hoa về nhà để chơi xuân năm ấy. Từ đó, ông đem lòng yêu đá đến nỗi từ bỏ niềm đam mê mai rừng để mê đá và sưu tầm đá. Từ suối Nhung, suối Đá, suối Đồng Tiền, suối Giai thuộc thành phố Đồng Xoài nối liền với huyện Đồng Phú cho đến Thác Mơ thuộc thị xã Phước Long rồi sang cả sông Đắk Quýt ở tận biên giới xa xôi, nơi nào ông cũng đến, cũng tìm kiếm mang đá về chơi, có khi mang về chất cả đống chẳng phải để làm gì ngoài thú đam mê cho thỏa thích về đá. Nhiều năm gắn bó với đá, ông ngộ ra rằng: gần đá xa bệnh. Bởi cái ngộ này mà cả 2 người con gái lẫn con rể của ông cũng đem lòng yêu đá đến nỗi đặt tên cho quán của mình là “Cà phê sỏi đá”.
ĐÁ HỘI TỤ
Có phải linh khí của đất trời hội tụ trong đá hay không mà mỗi viên đá kim cương, ruby, thạch anh, mã não hay opal lại ánh lên nét hào quang chói sáng dưới nắng mặt trời. Mỗi nét đẹp của ánh hào quang ấy được người đời cảm nhận khác nhau mà chia thành 3 loại: đá quý, đá bán quý và đá thường. Riêng dân “nghiện đá” thì chia thành đá quý và đá bán quý. Trong giới chơi đá bán quý lại tiếp tục chia thành 2 trường phái: besuki và susaki. Besuki là trường phái chơi đá đã được chế tác mài bóng, còn susaki là trường phái chơi đá nguyên thủy, không được mài giũa hay có bất kỳ tác động nào từ bàn tay con người đến hình dáng, cấu trúc của viên đá. Cũng giống như cây cảnh, đá cảnh được chia thành nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau để con người tùy theo sở thích của mình mà lựa chọn cho phù hợp với bản mệnh. Nhìn vào thế dáng của đá mà khách có thể đoán biết được tính cách, sở thích của chủ nhà hoặc chủ nhân của viên đá. Đá cũng có khi nói hộ lòng người những suy tư thầm kín trước thế sự. Không ít người am tường về đá cùng có chung quan niệm rằng: “Hòn sỏi cũng có nỗi đau luống sỏi/cũng nghẹn ngào tức tưởi hờn ghen”. Còn lòng yêu đá của ông Nguyễn Kim Vũ đến mức quên cả sân si của thế sự mà hóa thành thơ: “Người xưa nuôi chí lớn, đem kiếm mài dưới trăng/Ta một thời nông nổi, về mài đá nuôi thân/Từ nghìn năm đá lạnh, ngọc yên lặng vô tri/Ta ngồi bóc từng lớp, tìm sớ đá vân vi/Mài đi rồi mài lại, học thêm tính kiên trì/Thổi hồn vào đá lạnh, quên sự thế sân si”.
Nét đẹp của một nửa phiến đá opal sau khi được anh Nguyễn Văn Đồng cắt gọt, mài giũa | Đá bán quý mã não thuộc trường phái besuki do ông Nguyễn Văn Tâm sưu tầm | Tác phẩm “Cá vàng” được chế tác từ đá hồng phấn thuộc trường phái besuki |
Có một nét khác biệt thật duyên dáng đáng yêu mà cũng hết sức đỏng đảnh của đá khác với cây cảnh đó là tình yêu của người chơi đá phải biết đặt đúng chỗ trong cung tương sinh của ngũ hành. Nhìn màu sắc của đá, người ta không chỉ biết đến tính cách mà còn có thể biết được chủ nhân mạng gì. Người chơi đá phải biết lựa chọn chủng loại và màu sắc phù hợp với mình theo thuyết tương sinh kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành để phát huy tối đa linh khí của đá. Nhiều giả thuyết cho rằng, ánh hào quang của đá là linh khí của đất trời nên được sử dụng trong thuật phong thủy rất khoa học. Mặc dù viên kim cương hay viên đá ruby trị giá cả tỷ đồng nhưng bổn mạng của người đeo không phù hợp theo thuyết tương sinh của vũ trụ thì có khi lại là họa cho người sử dụng. Còn viên thạch anh, mã não hay opal chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng dùng đúng cách sẽ giúp người sử dụng phát huy được sức mạnh của ánh kim trong mỗi viên đá ấy. Chính từ những quan niệm như thế mà thú chơi đá đòi hỏi và kén chọn người chơi nhiều hơn bất kỳ thú chơi nào khác trong thế giới của bon sai cây cảnh.
Đá muôn màu, muôn hình, vạn trạng hiện diện khắp nơi trên núi cao, biển sâu, trong hang cùng, nguyệt tận nhưng cũng có khi ở ngay bên ta mà ta chưa ngộ ra được. Mỗi viên đá là một thân phận có giá trị vĩnh hằng so với cõi tạm của đời người. Trải qua hàng triệu triệu năm trầm tích dưới đất sâu hay bất tận trên dải ngân hà, vũ trụ rút ruột của mình tạo nên những hình thể khoáng vật hội tụ đủ loại ánh hào quang trời đất mà chúng ta thường gọi là đá. Bởi vậy, dân chơi đá nói không ngoa rằng: Đá là nơi hội tụ linh khí của đất trời mà tạo hóa đã rộng lượng ban tặng con người trong cõi vô biên.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065