“Say” nhạc cụ ngũ âm
Đến Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Lộc Ninh, chúng tôi thấy cô Hiệu trưởng Phạm Ngọc Trâm đang ký vào những tấm giấy khen tặng học sinh trong ngày sơ kết học kỳ I. Ngoài sân, học sinh với những trang phục dân tộc khác nhau đang chuẩn bị nhạc cụ để bắt đầu buổi tập. Nắng xuyên qua bóng cây xuống sân trường làm hình ảnh các em đẹp hơn.
Trong phòng nhạc cụ, các em nhanh chóng sắp xếp đúng vị trí tập luyện. 9 em người Khơme mở đầu buổi tập với bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Sự hòa quyện giữa 9 âm thanh của nhiều nhạc cụ khác nhau đã tạo nên giai điệu mạch lạc, vừa nhẹ nhàng, du dương vừa thể hiện được sự cương nghị, quyết tâm. Âm thanh từ nhạc cụ vang lên, ngay lập tức thu hút rất nhiều học sinh. Các em tập trung trước cửa phòng tập để được nghe rõ hơn.
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Lộc Ninh “say” theo tiếng nhạc của bộ ngũ âm
Em Lâm Trường, học lớp 6 được trường chọn vào đội nhạc truyền thống. Trong bộ nhạc ngũ âm, Trường được giao vị trí chơi trống cái. “Em được học chơi nhạc cụ ngũ âm hơn 3 tháng nay. Được chơi nhạc cụ, em rất thích. Đây không đơn thuần là buổi tập nhạc mà còn có ý nghĩa gắn kết mọi thành viên trong đội, thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, trong đó có đồng bào Khơme” - Lâm Trường cho biết.
Bộ ngũ âm, ban đầu chỉ có 5 nhạc cụ thể hiện ở 5 âm sắc, chất liệu khác nhau là: da, đồng, hơi, gỗ, sắt. Sau đó, có thêm 4 nhạc cụ hỗ trợ cho bộ ngũ âm và trở thành “linh hồn” của người Khơme. Nghệ sĩ Thạch Anh Xuân (42 tuổi), giáo viên dạy nhạc ngũ âm, được trường mời từ tỉnh Trà Vinh về. Mỗi dịp nghỉ hè và cuối học kỳ, nghệ sĩ Thạch Anh Xuân lại sắp xếp thời gian đến Bình Phước truyền dạy cho các em. Thầy Xuân nói: “Nhạc ngũ âm (tiếng Khơme là Plêng Pưn Piết) gắn liền với văn hóa Phật giáo Nam tông Khơme cũng như dân tộc Khơme. Từ những lễ hội quan trọng trong Phật giáo Nam tông đến các lễ hội gắn liền với đời sống, niềm khát khao về đời sống tinh thần của đồng bào Khơme đều có sự hiện diện của dàn nhạc ngũ âm. Âm thanh hòa tấu của những nhạc cụ trong dàn ngũ âm đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người Khơ me, từ trẻ con đến người già”.
Gắn kết tình thầy trò
Thầy Xuân chia sẻ: “Dân tộc nội trú Lộc Ninh không phải là cơ sở đầu tiên tôi đến dạy về nhạc cụ ngũ âm nhưng đây là ngôi trường để lại rất nhiều tình cảm. Bởi các em “say” tiếng nhạc, chăm chỉ và tiếp thu nhanh, chỉ cần 10 ngày học là có thể tự chơi được một bản nhạc hoàn chỉnh”. Các em đã tiếp thêm nguồn cảm hứng để thầy Xuân tiếp tục gắn bó với việc truyền dạy nhạc ngũ âm.
“Từ khi có dàn nhạc ngũ âm và được tập luyện, tôi cảm nhận được niềm vui của học sinh. Nhiều phụ huynh thấy các con được học nhạc dân tộc thì rất ưng bụng. Đây cũng là động lực để giáo viên tiếp tục gắn bó và tâm huyết với nghề” . Cô Phạm Ngọc Trâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Lộc Ninh |
Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Lộc Ninh có 9 thành phần dân tộc anh em theo học, trong đó khoảng 60% học sinh dân tộc Khơme. Vì vậy, phát huy giá trị văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc của một trường dân tộc nội trú là rất cần thiết. Năm học 2013-2014, Hiệu trưởng Phạm Ngọc Trâm được tham quan một số trường dân tộc nội trú ở tỉnh Sóc Trăng. Cô bị thu hút bởi tiếng nhạc của dàn ngũ âm. Sau chuyến đi, ban giám hiệu đã xin Sở Giáo dục - Đào tạo và ngay đầu năm 2015 được trang bị một bộ ngũ âm trị giá hơn 80 triệu đồng. Tuy chi phí thuê thầy dạy ở tỉnh Trà Vinh khá tốn kém (trung bình 1 triệu đồng/ngày, mỗi đợt khoảng 10 ngày) nhưng trường vẫn cố gắng để học sinh được học một cách bài bản.
Cùng với nhóm tập nhạc cụ ngũ âm, ngoài sân trường có một nhóm 8 học sinh nam dân tộc S’tiêng đang tập đánh chiêng do thầy Hoàng Xuân Thủy, phụ trách nội trú hướng dẫn. Trước đây, trường nhờ phụ huynh chỉ dạy nhưng gần đây thầy Thủy đảm nhiệm luôn công việc này.
Điểu Tá, học sinh lớp 8 cho biết: “Chúng em đang tập luyện để diễn vào ngày sơ kết học kỳ I. Được tập nhạc cụ của dân tộc mình giúp chúng em biết rõ hơn để giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc”.
Rời ngôi trường dân tộc nội trú ở huyện vùng biên khi nắng đã in rõ bóng người, chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc bởi tiếng nhạc rộn ràng cả một khu. Nụ cười rạng rỡ của thầy và trò trong những buổi tập nhạc ngũ âm, đánh cồng, đánh chiêng là hình ảnh thật đẹp cho bất kỳ ai đến thăm ngôi trường này.
Hải Yến
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065