Thác Dambri thuộc TP. Bảo Lộc, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 100km và cách TP. Hồ Chí Minh 200km theo quốc lộ 20. Dù chưa một lần đến thác Dambri, nhưng tôi đã được đọc, nghe nhiều thông tin về ngọn thác cao nhất của tỉnh Lâm Đồng với chiều cao 60m, tạo thành 2 dòng chảy cao thấp rất hùng vĩ. Thác nằm trong khu vực rộng 330 ha, trong đó có một diện tích tương đối lớn rừng nguyên sinh. 2 thác nhỏ hơn là Dasara và Daton cũng rất đẹp cùng khu sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách. Anh bạn đồng nghiệp từng chụp ảnh dạo tại đây cho biết, trước đây khu du lịch này chủ yếu khai thác vẻ đẹp tự nhiên để phục vụ du khách. Những năm gần đây, Ban quản lý khu du lịch đã đầu tư bài bản hơn với nhiều hạng mục mới. Bây giờ đến với Khu du lịch thác Dambri, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh non nước hữu tình, vẻ đẹp hùng vĩ của dòng thác tự nhiên; được nghe kể về câu chuyện tình đẹp và buồn của đôi trai gái người K’Ho mà còn được trải nghiệm những trò chơi thú vị như trượt nước, trượt patin, xe đạp đôi, đạp thiên nga, đặc biệt còn có khu trò chơi dân gian, khu vận động trường, thang máy cùng rất nhiều trò chơi thú vị khác.
Nhiều người đến tham quan thác Dambri nhưng vì giá vé quá cao nên lại quay ra
Và đúng như lời đồn, dẫu đang mùa khô, nhưng mới đến cổng Khu du lịch thác Dambri, tôi đã nghe tiếng thác nước vang dội ầm ầm dù thác cách đó chừng vài trăm mét. Chúng tôi xuống xe, cử người đại diện vào mua vé. Thế nhưng ai cũng bất ngờ bởi giá vé quá cao. Trên tấm biển quảng cáo đặt ngay tại cổng ghi rõ: “Để thuận tiện cho quý khách tham quan thác Dambri, bắt đầu từ ngày 1-4-2014, bán vé dịch vụ người lớn 200.000 đồng/vé; trẻ em 100.000 đồng/vé. Vài người trong đoàn hỏi sao giá vé cao quá vậy thì nhân viên bảo vệ trả lời, giá đó bao gồm cả vé vào cổng, vé thang máy khứ hồi, vé xe trượt ống cùng nhiều trò chơi khác. Nhưng chúng tôi chỉ vào tham quan thác và chụp hình lưu niệm chứ không tham gia các trò chơi. Nhân viên bảo vệ trả lời, đó là quy định của Ban quản lý khu du lịch, đã vào tham quan là phải mua vé trọn gói. Không đồng tình với cách làm đó nên cả đoàn thống nhất không mua vé vào tham quan thác.
Trên đường trở ra, tôi gặp một gia đình trẻ người Châu Mạ - là do hỏi mới biết, bởi cả hai vợ chồng đều ăn mặc như người Kinh. Cậu con trai chừng 5 tuổi hiếu động leo trèo trên các tảng đá phía ngoài cổng và người chồng dùng điện thoại chạy theo chụp hình con. Hỏi sao không đưa bé vào thác chơi thì anh trả lời, cả nhà vào sẽ mất 500 ngàn đồng nên cho con chơi bên ngoài này thôi. Rồi anh nói, ngọn thác Dambri này ngàn đời nay thuộc về tổ tiên chúng tôi. Trước đây, người K’Ho, Châu Mạ tự do ra vào, vui chơi ở đây. Thác Dambri còn là nơi hẹn hò của những đôi trai gái. Vào dịp lễ, tết, người dân còn đốt lửa, uống rượu cần và nhảy múa, ca hát suốt đêm. Bây giờ không có tiền là chúng tôi không được vào Dambri nữa.
Nhìn vẻ mặt buồn bã của anh, tôi bỗng thấy nao lòng. Chợt nhớ những lần tham quan các di sản thiên nhiên tại Campuchia và Thái Lan, ban quản lý các khu di sản nổi tiếng ở 2 đất nước này đều để một tấm biển bằng tiếng Anh và tiếng bản địa với nội dung miễn phí vào cho người bản địa. Cũng phải, quần thể di sản văn hóa nhân loại Angkor ở tỉnh Siem Reap hay Khu di tích Grand Palace ở thủ đô Bangkok là những di sản độc đáo của đất nước Campuchia và Thái Lan. Nó thuộc về sở hữu của người dân 2 đất nước này nên họ có quyền được vào chiêm ngưỡng mà không cần mua vé. Tiếc rằng chúng ta chưa học được cách làm du lịch mang ý nghĩa nhân văn ấy. Bởi ở tất cả điểm tham quan nổi tiếng như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), thác Dambri, thung lũng tình yêu (Đà Lạt); hang Sơn Đoòng, động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)... tất cả mọi người đều phải mua vé vào tham quan, bất kể khách nước ngoài hay người dân bản địa.
Chợt nghĩ, kinh doanh và thương mại phải đi liền với những hành xử văn hóa và lịch sử thì mới lâu bền. Nhẽ ra, Ban quản lý khu du lịch nên chia làm 2 loại vé: vé vào tham quan và vé trọn gói để du khách lựa chọn. Bởi không phải ai đến với Dambri cũng đều muốn trải nghiệm tất cả trò chơi tại đây. Và nhẽ ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tham mưu để có chính sách miễn phí cho người dân ở những khu vực có các di sản thiên nhiên. Có vẻ như Ban quản lý khu du lịch này đang tính toán sai thì phải, bởi có nhiều người đến chơi nhưng thấy giá vé quá cao lại quay ra.
Rời Khu du lịch thác Dambri, chẳng hiểu sao nỗi buồn của người đàn ông Châu Mạ chợt lây cả sang tôi.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065