Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay cả nước có 1.710.983 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Trong đó số thí sinh đăng ký dự thi khối C (Văn, Sử, Địa) chỉ đạt 6%. Như vậy, so với những năm trước thì tình cảnh “chợ chiều” của khối C xem ra ngày càng ảm đạm hơn. Thực trạng này đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội “những việc nên làm ngay”.
Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh phổ thông, nhất là các em lớp 12 ngại học ba môn Văn, Sử, Địa. Bởi vì những môn học này tốn nhiều thời gian, công sức. Muốn học tốt đòi hỏi học sinh phải nắm vững rất nhiều chi tiết, nhân vật, sự kiện, số liệu... Trong khi đó, phương pháp giảng dạy của giáo viên chậm đổi mới, chủ yếu vẫn là mô-típ quen thuộc “thầy cô đọc, học trò chép” nên học mà như “cưỡi ngựa xem hoa”. Thế nhưng, khi đánh giá chất lượng qua kiểm tra, thi học kỳ, vì “thương” học trò và áp lực thành tích nên phần lớn giáo viên đều... cho qua. Chuyện thí sinh khối C khi mất “phao” thường rơi vào trạng thái “mơ ngủ” với các sự kiện, nhân vật lịch sử, “sáng tạo” nên những bài văn... cười ra nước mắt khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng.
Học và thi vào các ngành khoa học - xã hội và nhân văn đã vất vả thì áp lực tìm việc làm khi ra trường càng “khủng khiếp” hơn. Phần lớn doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng những người tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học - xã hội và nhân văn, hoặc có cũng chỉ tuyển với số lượng rất ít. Vì vậy, nhiều “cử nhân khối C” do không xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước phải tìm các công việc trái chuyên môn bên ngoài. Thậm chí có người đành phải xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp như lao động phổ thông khác. Đây là nguyên nhân chính khiến học sinh và các bậc phụ huynh không muốn con em mình đăng ký dự thi vào khối C.
Để thay đổi tâm lý của học sinh và gia đình, hướng các em đến với khối C thì chúng ta phải đổi mới toàn diện cách dạy, học các môn khoa học - xã hội và nhân văn. Trong đó hướng trọng tâm vào người học, thầy cô giáo là người hướng dẫn, chỉ bảo và truyền đam mê cho học sinh. Vì trên thực tế, nếu học sinh nắm vững những kiến thức trong sách giáo khoa một cách thực chất thì khi đi thi chắc chắn sẽ đạt điểm từ trung bình trở lên, chứ không rơi vào “điểm chết, điểm liệt”. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo nên tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng đối với những trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh, đào tạo khối C. Có một thực tế hiện nay là cả đầu vào và đầu ra của những “cử nhân khối C” vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường.
Chúng ta vẫn luôn tự hào là một đất nước có truyền thống văn hiến lâu đời. Nhưng chỉ mới hơn 1/4 thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới mở cửa với sự tác động của nền kinh tế thị trường đã làm không ít giá trị bị đảo lộn. Khoa học - xã hội và nhân văn là nền tảng giáo dục về đạo đức, tinh thần và các giá trị nhân văn cao đẹp. Đừng để những thông tin đáng buồn như “hồ sơ dự thi khối C năm nay tiếp tục giảm” trở thành điệp khúc. Hướng các em học sinh vào niềm đam mê với các môn học này là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Nguyễn Bảo
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065