Người dân thu gom điều phơi ở cơ sở thu mua Bảy Vân, thôn Bù Xia, xã Đắk Ơ - Ảnh: N.B
Đã gần 30 năm lập gia đình, đến năm 2016, hộ ông Điểu Nơr ở thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa mới gom góp được ít tiền xây dựng căn nhà kiên cố để ở. Vì thế, tiền đầu tư chăm sóc 8 ha điều của gia đình, ông phải đi vay bên ngoài, dự tính sau mùa vụ sẽ trả nhưng vụ này vườn điều bị khô bông, khô lá. Điều bị mất trắng 100% cũng đồng nghĩa khoản nợ 150 triệu đồng gia đình ông vay trước đó không thể trả ngay. “Lãi mẹ đẻ lãi con” nên tâm trạng lo lắng là những gì mà người nông dân này đang phải trải qua. Ông Điểu Nơr nói: “Năm nay, điều mất mùa, gia đình tôi chưa thể trả nợ, chi tiêu trong nhà cũng không có khoản để trang trải. Hơn nữa vườn điều đang bị sâu bệnh gây hại nhưng cũng không có tiền mua thuốc phòng trị. Giờ tôi không biết phải xoay xở thế nào”.
Thời gian qua, do biến động của giá cả thị trường nông sản nên đã có không ít hộ nông dân chuyển đổi cây trồng với mong muốn nâng cao thu nhập. Khoảng 10 năm trước, gia đình ông Phạm Thành Minh ở thôn Hai Căn khi giá mủ cao su xuống thấp đã cưa 5 ha cao su 4 năm để trồng điều. Dày công chăm sóc, phun tưới, đến khi vườn điều ghép của gia đình cho thu ổn định thì giá điều thường xuyên bị rớt, cộng thêm thời tiết bất thường dẫn đến mất mùa. Ông Minh cho biết: “Tính sơ 1 ha điều cũng phải đầu tư từ 10 triệu đồng trở lên, mà lại thiếu tiền công nợ. Năm nay, gia đình tôi bị thất mùa điều đến 99%. Tất cả chi phí chi tiêu trong gia đình 1 năm trông cả vào vụ điều nhưng lại bị mất trắng, chẳng lẽ bán rẫy để trả nợ”.
Cùng chung hoàn cảnh, gia đình chị Bùi Thị Hà gần đó cũng gặp nhiều khó khăn do điều thất mùa. Chị Hà nói: “Gia đình tôi có 2 ha điều, năm nay thầu thêm 2 ha điều mong sẽ tăng nguồn thu để lo việc học tập của các con. Thế nhưng, điều bị mất mùa, 2 ha của gia đình thu 4 tạ, còn 2 ha thầu ngoài chỉ thu 1 tạ, trong khi tiền thầu điều đã hết 110 triệu đồng. Số tiền này đều đi vay, mỗi tháng phải trả gần 3 triệu đồng tiền lãi, hiện gia đình tôi không biết lấy gì để trả nợ”.
Năm 2017, toàn huyện Bù Gia Mập có khoảng 20.457 ha điều, tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,4% tổng diện tích cây lâu năm của huyện. Tuy nhiên sản lượng chỉ đạt 3.915 tấn, giảm 42,76% so cùng kỳ. Trước thực trạng đó, lãnh đạo UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo ngành ngân hàng phối hợp các xã trên địa bàn rà soát lại số hộ vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp (trồng điều), có ý kiến đề xuất xem xét giãn nợ nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Trong khi giá cả thị trường luôn biến động, có ai dám chắc một phần diện tích cây điều sau mùa vụ này không bị người nông dân đốn hạ để chuyển đổi cây trồng? Do vậy về lâu dài cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc định hướng, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn để vòng luẩn quẩn “chặt - trồng, trồng - chặt” không bị lặp lại với cây điều hay bất cứ cây trồng nào, giúp nông dân yên tâm canh tác, sản xuất.
Phạm Công - Hoài Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065