Trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 đến 7-11, các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã chia sẻ đánh giá đối với chiến thuật “vùng xám” trên biển Đông của Trung Quốc cũng như triển vọng trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Hội thảo lần thứ 11 có chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
Chiến thuật “vùng xám”
Ông Sebastian Martin, chuyên gia Trung tâm Ngoại giao và An ninh hàng hải (Học viện Hàng hải Malaysia) cho biết: Về mặt lý thuyết, chiến thuật “vùng xám” được một quốc gia sử dụng để đạt được một lợi ích nào đó, thường là về lãnh thổ, nhưng không muốn dùng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp.
Trên thực tế, chiến thuật “vùng xám” liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước, đặc biệt ở biển Đông từ năm 2006. Mục đích của chiến thuật này là nhằm thay đổi hiện trạng, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng.
Ngư dân Quảng Nam vươn khơi bám biển - Ảnh internet
Ông Sebastian Martin cho rằng, chiến thuật “vùng xám” có 2 đặc trưng căn bản, đó là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng và tịnh tiến. Thông qua việc triển khai chiến thuật “vùng xám”, Trung Quốc muốn che giấu ý định thực sự - giành quyền kiểm soát đối với cái gọi là lãnh thổ trên biển của họ và độc chiếm nguồn tài nguyên để thu về lợi ích kinh tế.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng khoa học quốc tế (Mỹ) khẳng định, Trung Quốc có sử dụng chiến thuật “vùng xám” ở biển Đông; hiểu được những thách thức đặt ra trong “vùng xám” là điều cần thiết để đối phó với những khó khăn chiến thuật này đặt ra đối với hợp tác hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cần lên tiếng chỉ trích hành động sai trái của Trung Quốc.
Phân tích kỹ hơn về chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc ở biển Đông, Phó đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cho biết, trong chiến thuật “vùng xám”, Trung Quốc triển khai tàu tới các khu vực ở biển Đông và thực thi cái gọi là: Luật pháp Trung Quốc tại những khu vực mà nước này có chủ quyền. Các nước trong khu vực cần có thái độ quyết liệt trước bất kỳ hành động vi phạm luật pháp quốc tế nào của Trung Quốc và cần hiểu rõ thông điệp ngầm của Trung Quốc thông qua chiến thuật “vùng xám” của họ.
Triển vọng đàm phán COC
Phó tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, theo dõi tuyên bố tại các cuộc họp về tình hình thực hiện COC và đàm phán COC cho thấy, Trung Quốc cùng 10 nước ASEAN đều thể hiện quyết tâm, thúc đẩy quá trình thương lượng để sớm thông qua được COC.
Bà Nguyễn Thanh Hà cho rằng, các nước tham gia quá trình thương lượng COC đều có mục đích riêng cũng như mục đích chung. Mục tiêu chung của các nước ASEAN là duy trì vai trò trung tâm trong việc tìm biện pháp kiểm soát tình hình tại khu vực. Với những quốc gia, trên thực tế các bên tranh chấp thì rõ ràng mục đích tìm kiếm một COC sẽ không thể đồng nhất với các quốc gia không phải là bên tranh chấp.
Đánh giá về triển vọng tiến trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN, giáo sư John Rennie Short thuộc Đại học Maryland (Mỹ) nhận định, việc phê chuẩn COC là khó khăn. Nhằm giải quyết được những vướng mắc trong đàm phán COC, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa vị trí của mình trên trường quốc tế; đồng thời tiếp tục giữ vững quan điểm, lập trường nhất quán về tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Trọng tài viên, Trường Luật thuộc Đại học Tổng hợp Boston (Mỹ) khẳng định, quá trình đàm phán COC cần quyết tâm chính trị của tất cả quốc gia ASEAN. Cùng với đó là sự thiện chí từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, để thể hiện thiện chí trong vấn đề này, Trung Quốc cần thể hiện sự tôn trọng pháp luật quốc tế, Luật Biển quốc tế. Hội tụ của 2 điểm này, COC mới có thể thành công.
Các chuyên gia, học giả cũng đánh giá triển vọng trong đàm phán COC đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh có hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các quốc gia vẫn có thể hy vọng việc các bên xích lại gần nhau, đối thoại hợp tác và sẽ có được một COC thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế.
Thanh Trà (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065