ĐƯỢC MÙA CỎ INDO
Cuối tháng 11, làng hoa khô Hưng Thịnh bắt đầu vào chính vụ thu gom nguyên liệu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Trên con đường dẫn vào Khu du lịch lịch sử - sinh thái Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, chúng tôi bắt gặp hình ảnh vui tươi, không khí sôi động của các hộ dân đang thu hoạch cỏ Indo.
Trên cánh đồng rộng 5 ha tại ấp 9, xã Lộc Thịnh, các chị Trần Thị Lưu, Đinh Thị Tâm và Nguyễn Thị Hồng (hộ thuê đất) đều là thành viên Tổ hợp tác hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh đang thu hoạch cỏ Indo, phấn khởi khoe: “Năm nay không xảy ra mưa dầm kéo dài nên các cánh đồng trồng cỏ Indo của bà con đều được mùa. Giống cỏ Indo do chị Đặng Thị Đông Hà, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh cung cấp. Chất lượng hạt giống rất tốt nên sau khi tỉa đều nảy mầm phát triển đồng đều. Sau 3 tháng xuống giống cỏ Indo trên diện tích 5 ha, trừ chi phí tiền thuê đất (5 triệu đồng/ha) và giống, phân bón, chúng tôi thu lãi gần 20 triệu đồng/ha”.
Chi hội trưởng phụ nữ ấp Hưng Thịnh Đặng Thị Đông Hà cho biết: “Khoảng 20 năm trước, gia đình tôi có cơ sở hoa khô nghệ thuật Tâm Hà. Một lần dự hội thảo nông nghiệp, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, một đại biểu mang đến giới thiệu giống lúa mạch mới của Indonesia. Nhìn qua, tôi đã mê vì lúa có chuỗi dài mượt, vàng ánh khi chín và hạt dày dính chặt trên chuỗi nếu kết hoa sẽ rất đẹp. Lúa mạch thường phải trồng 3-4 tháng mới cho thu hoạch và sản lượng không cao. Riêng giống lúa mạch này chỉ sau 1,5-2 tháng tỉa xuống là đã trổ bông to và năng suất cao. Sản xuất được cỏ Indo, tôi chủ động được đơn hàng của các doanh nghiệp. Mang bông lúa Indo về, tôi nhanh chóng đặt mua giống và triển khai cho chị em trong Chi hội phụ nữ ấp trồng rồi thu mua sản phẩm. Quả nhiên, cỏ Indo đã nhanh chóng chinh phục thị trường hoa khô. Số lượng doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến đặt hàng cơ sở hoa khô nghệ thuật Tâm Hà ngày càng nhiều. Nhờ đó, cỏ Indo trở thành nông sản bền vững của hội viên phụ nữ ấp Hưng Thịnh...”.
Gần 20 năm bén duyên ở Hưng Thịnh, cả ấp có khoảng 30 hộ trồng cỏ Indo. 3 hộ trồng và thu mua làm ra thành phẩm (phơi khô, xử lý hóa chất chống mốc và nhuộm màu theo yêu cầu) bán cho các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cung cấp nguyên liệu thị trường hoa khô toàn quốc, với giá 70 ngàn đồng/kg thành phẩm. Trồng cỏ Indo, bà con thường xen canh khi chuyển đổi cây trồng hoặc thuê đất trống của các doanh nghiệp trồng đại trà thành cánh đồng lớn. Giá cỏ Indo 6.000 đồng/kg, 1 sào trừ chi phí nông dân thu khoảng 2 triệu đồng. Được mùa, giá ổn định trong suốt 20 năm qua nên nông dân sản xuất cỏ Indo ở ấp Hưng Thịnh rất phấn khởi.
ƯỚC MONG vÙNG NGUYÊN LIỆU BỀN VỮNG
Tháng 10-2018, Tổ hợp tác hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh (tiền thân cơ sở hoa khô nghệ thuật Tâm Hà) thành lập. 10 thành viên sáng lập đều là những chị em “chung thủy” với sản xuất cỏ Indo từ những ngày đầu đưa giống về trồng trên vùng đất khô nắng biên giới Lộc Thịnh.
Chị Đông Hà cho biết thêm: “Làng hoa khô Lộc Thịnh đang ngày càng được khẳng định vị trí trên thị trường nhờ nguồn nguyên liệu uy tín. Năm 2017, cơ sở hoa khô Tâm Hà mở lớp đào tạo cắm hoa khô cho 30 học viên. Cắm hoa khô là nghề thủ công tận dụng thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, để có tác phẩm hoa khô phải có bàn tay khéo léo, năng khiếu nghệ thuật thổi hồn vào hoa lá. Ước mơ của tôi là có thế hệ nối tiếp đam mê nghệ thuật để xây dựng làng hoa khô truyền thống; đồng thời tích lũy vốn mở cửa hàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật phục vụ Khu du lịch lịch sử - sinh thái Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết trong tương lai... Thế nhưng, trong khi nhu cầu thị trường rất lớn nhưng quỹ đất cho trồng cỏ Indo ngày càng bị thu hẹp do các doanh nghiệp không còn đất trống để cho người dân thuê. Nguồn cây cỏ, hoa lá trong thiên nhiên cũng dần cạn kiệt...”.
Tổ hợp tác hoa khô nghệ thuật Hưng Thịnh đang lớn dần để trở thành Hợp tác xã hoa khô nghệ thuật kiểu mới. Mùa xuân này mong ước của người khởi xướng nghề cung ứng nguyên liệu và làm hoa khô - chị Đông Hà, là được các sở, ngành chức năng hỗ trợ xây dựng dự án thuê đất Nhà nước như nhiều doanh nghiệp khác để trồng cây nguyên liệu hoa khô ổn định.
“Theo đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh, hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân hoa khô cho tôi đã được đưa về xã bình xét đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng đã 3 năm chưa có phản hồi. Cơ sở bình xét nghệ nhân hoa khô cho tôi là 3 lần, các tác phẩm dự thi của tôi đều đoạt giải thưởng và cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp tỉnh. Năm 2010, tại hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII - Cúp Thăng Long 1000 năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, cơ sở hoa khô nghệ thuật Tâm Hà như 1 hạt cát nhỏ giữa sa mạc nhưng đã “bứt phá” khi cả 3 tác phẩm dự thi: Hoa hồng vườn Bác, Thuyền hoa kết trái nhớ Bác năm xưa và Quả trứng hoàn hảo đều đạt giải sản phẩm tiêu biểu. Bởi ngoài nét tinh xảo của nghệ thuật phối cắm hoa thì các tác phẩm của tôi đều có chủ đề mang ý nghĩa sâu sắc và được thuyết minh rõ ràng, logic” - chị Đông Hà nói.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065