BPO - Từ nhiều năm nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 48/90 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2020, Bình Phước sẽ có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn của tỉnh lên 60 xã. Điều đáng ghi nhận là trong xây dựng nông thôn mới ở Bình Phước không có tình trạng nợ đọng về xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, hiện một số tiêu chí đang gặp khó khăn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là các tầng lớp nhân dân cùng chung tay tháo gỡ.
Tiêu chí số 2 - Giao thông:
Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đặc biệt là triển khai làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù, thiết kế mẫu. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia đóng góp của người dân, đến nay đã làm được 2.238,68 km đường bê thông xi măng. Các tuyến đường do tỉnh quản lý đa phần đã được cứng hóa, 43% các tuyến đường huyện được cứng hóa và 23,3% các tuyến đường xã được cứng hóa; 100% số xã có đường nhựa, ô tô đến tận trung tâm xã trong hai mùa mưa, nắng.
Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế trong thực hiện tiêu chí này là địa bàn rộng, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nên quá trình đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp cần khối lượng kinh phí lớn. Trong khi nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện. Ngoài ra, công tác huy động nguồn vốn đối ứng ở nhiều xã để triển khai đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước, chưa nhận thức được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Tiêu chí số 5 - Trường học:
Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trường học các cấp học đảm bảo phục vụ giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nộng thôn mới. Xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí này, nhiều năm qua, tỉnh đã đầu tư lớn nguồn lực đề xây dựng trường chuẩn. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 34/160 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 21,25%; 57/165 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiểm tỷ lệ 34,55%; 24/109 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 22,02%. Mặc dù vậy nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 51/90 xã đạt chuẩn tiêu chí này.
Khó khăn, hạn chế lớn nhất của tỉnh trong quá trình thực hiện tiêu chí này là mặt bằng tiêu chí thấp, trong khi đó lại rất cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách mới đạt. Bên cạnh đó, ở một số xã có nhiều trường học không thể mở rộng diện tích do nằm trong khu dân cư.
Tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa:
Cơ sở vật chất văn hóa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, cổ động nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương. Về cơ bản, các thiết chế văn hóa đã phát huy công năng, không chỉ là nơi tổ chức hội họp mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 66/90 xã đạt tiêu chí này.
Khó khăn, hạn chế trong thực hiện tiêu chí này là nguồn vốn hỗ trợ ít, chậm, khả năng đối ứng của người dân có hạn. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa, thể thao; các trang thiết bị trong nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm dần nên không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên văn hóa thể thao ngoài công lập còn yếu, thiếu, nên chất lượng hoạt động chưa cao.
Tiêu chí số 9 - Nhà ở dân cư:
Trong những năm qua, với sự chung tay giúp đỡ của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã thực hiện kêu gọi, vận động thực hiện xây mới và sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thực hiện xây dựng và bàn giao 7.350 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Chương trình 167 đã hỗ trợ xây dựng 789 căn và sửa chữa, nâng cấp 373 căn nhà tình thương. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 65/90 xã đạt tiêu chí này.
Khó khăn, hạn chế lớn nhất là xuất phát điểm của tiêu chí này ở Bình Phước thấp, vì số lượng nhà tạm, dột nát nhiều, gây khó khăn cho công tác thực hiện đạt tiêu chí. Đồng thời, do tập quán sinh sống của người dân tộc thiểu số (lập gia đình, làm nhà tạm để tách khẩu) dẫn đến số lượng nhà tạm luôn tăng thêm hàng năm.
Tiêu chí số 10 - Thu nhập:
Trong những năm qua, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Từ nguồn vốn trực tiếp của Chương trình và các nguồn vốn lồng ghép khác đã được triển khai hiệu quả. Trong những năm qua đã có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ... được thành lập và từng bước đi vào hoạt động ổn định; các mô hình liên kết sản xuất ngày càng phát triển, nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng trên toàn tỉnh như: mô hình chăn nuôi bò, mô hình trồng cây ăn trái, mô hình trồng rau sạch,... từ đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 62 triệu đồng/người. Dự kiến thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2020 sẽ đạt 67 triệu đồng/người. Hiện có 66/90 xã thực hiện đạt tiêu chí về thu nhập.
Khó khăn, hạn chế là nhiều năm qua, giá cả các mặt hàng nông sản thấp, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra thường xuyên, gây khó khăn cho công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, chỉ tiêu đánh giá tiêu chí thu nhập cao thường xuyên được thay đổi, năm sau lại cao hơn năm trước, gây khó khăn không nhỏ trong việc thực hiện đạt tiêu chí.
Tiêu chí số 11 - Hộ nghèo:
Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương và đội ngũ làm công tác giảm nghèo các cấp, tỉ lệ hộ nghèo từ 6,15% trong năm 2016, đến nay đã giảm còn 3,05%. Năm 2020, quyết tâm của tỉnh sẽ giảm 1,5% so với năm 2019. Để công tác giảm nghèo có hiệu quả và bền vững, nhiều năm qua tỉnh đã tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho hộ nghèo, tạo điều kiện phát triển kinh tế được quan tâm thực hiện. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả với 20.371 lượt người được đào tạo nghề với các ngành nghề như: Kỹ thuật khai thác cao su, kỹ thuật chăn nuôi gà, mây tre đan, may công nghiệp,... phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 94,68%, từ đó giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo bền vững. Toàn tỉnh hiện có 74/90 xã đạt tiêu chí.
Khó khăn, hạn chế là chỉ tiêu đánh giá tiêu chí hộ nghèo cao, năm sau lại cao hơn năm trước, nên đã gây khó khăn không nhỏ trong việc thực hiện đạt tiêu chí. Đồng thời, chỉ tiêu xét hộ nghèo thay đổi nên hộ nghèo phát sinh tăng, gây khó khăn trong công tác giảm nghèo. Và hiện vẫn còn tình trạng tái nghèo tiếp diễn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065