Ngày 22-11-2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2681/QĐ-UBND giao việc công chứng các hợp đồng giao dịch trên địa bàn thị xã Đồng Xoài cho Phòng công chứng số 1 tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, sau khi quyết định này có hiệu lực được hơn một tuần đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Nhiều người dân bức xúc vì cho rằng quyết định không chỉ gây phiền hà cho nhân dân mà còn không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính.
Theo Quyết định 2681 ngày 22-11-2010 của UBND tỉnh thì kể từ ngày 1-1-2011, UBND TX. Đồng Xoài và UBND các phường, xã thuộc thị xã không được thực hiện chứng thực các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn TX. Đồng Xoài. Như vậy, các hợp đồng giao dịch mà trước đây do xã, phường thực hiện, như: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng cho, tặng, thừa kế, hợp đồng thế chấp vay vốn ngân hàng và các loại hợp đồng giao dịch khác trên phạm vi địa bàn TX. Đồng Xoài sẽ do Phòng công chứng số 1 tỉnh thực hiện.
Mẹ con bà Võ Thị Anh (ấp Suối Cam, xã Tiến Thành TX. Đồng Xoài) trình bày bức xúc trước hội nghị tiếp xúc cử tri sáng ngày 10-1-2011, tại hội trường UBND xã Tiến Thành |
Ông Nguyễn Thanh Sang ở ấp 2, xã Tiến Thành đã phải mất hơn 1 tuần lễ đi lại nhiều lần đến Phòng công chứng số 1 nhưng vẫn chưa công chứng được hồ sơ đáo hạn vay vốn. Ông Sang cho biết: “Theo yêu cầu của công chứng viên, tất cả các thành viên trong gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên trong sổ hộ khẩu phải lên phòng công chứng ký vào hợp đồng thế chấp vay vốn. Tôi có một người con bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, cháu có tên trong sổ hộ khẩu nhưng nay đang ở bên ngoại. Nay phòng công chứng yêu cầu phải đi giám định y khoa cho người con thiểu năng trí tuệ, để cháu không phải ký vào hợp đồng thì quả là quá nhiêu khê, phức tạp...”.
Trường hợp của bà Võ Thị Anh ở ấp Suối Cam, TX. Đồng Xoài còn phức tạp hơn. Bà Anh năm nay 77 tuổi, chồng đã chết cách nay 20 năm. Bà đứng tên thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng cho các con làm ăn. Các kỳ đáo hạn trước chỉ phải làm hồ sơ trong vòng 2 đến 3 ngày là bà được giải ngân lại, nhưng lần này khi ra chứng thực hợp đồng, Phòng công chứng số 1 tỉnh yêu cầu bà phải cung cấp giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử của chồng, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bà được chứng thực tại UBND xã nơi có hộ khẩu thường trú và tất cả các thành viên trong gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên phải ký vào hợp đồng thế chấp. Trong khi đó, bà Anh đã trình bày là bà lấy chồng năm 1954, do chiến tranh nên vợ chồng bà không có giấy kết hôn bên cạnh đó chồng bà là thương binh 2/4, đã chết 20 năm nay, giấy chứng tử cũng đã mất... nhưng công chứng viên vẫn không chấp nhận. Bức xúc về cách giải quyết trên, sáng ngày 10-1-2011, bà Anh cùng các con lên UBND xã Tiến Thành, TX. Đồng Xoài trình bày sự việc với các đại biểu HĐND tỉnh và thị xã trong buổi tiếp xúc cử tri tại đây.
Không chỉ gây phiền hà cho người dân mà việc chuyển giao công tác chứng thực hợp đồng cho Phòng công chứng số 1 tỉnh còn gây khó khăn cho xã, phường trong công tác thu ngân sách, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực. Ông Đinh Nam Hải, Chủ tịch UBND phường Tân Đồng và ông Lê Thanh Ban, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) cho biết: “Nếu xã, phường không được chứng thực các hợp đồng, giao dịch, nhất là hợp đồng chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế đất đai, thế chấp vay vốn... thì sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, phường, xã cũng sẽ mất khoản thu lớn từ phí và lệ phí đã giao hằng năm. Đối với cấp xã, phường thì đây là khoản thu đáng kể và khoản thu này xã, phường được hưởng 100%. Theo tính toán thì hằng năm khoản thu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch của các xã, phường trên địa bàn thị xã khoảng trên 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ 1-1-2011, khoản thu này sẽ do Phòng công chứng số 1 tỉnh thu.
Qua tìm hiểu một số văn bản liên quan cho thấy, nội dung của Quyết định 2681, ngày 22-11-2010 của UBND tỉnh còn một số điểm chưa phù hợp. Theo ông Mai Danh Tới, Trưởng phòng Tư pháp TX. Đồng Xoài thì Quyết định 2681 là quyết định áp dụng pháp luật, nhưng lại trái với các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Cụ thể là trái với Chỉ thị số 15, ngày 3-5-2001 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 75, ngày 8-12-2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực và Chỉ thị số 01, ngày 5-3-2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cũng không phù hợp với 2 văn bản mới đây nhất, đó là Quyết định số 84 và Quyết định số 85 cùng ban hành ngày 31-12-2009 của UBND tỉnh về công bố bộ thủ tục hành chính cấp xã và cấp huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Các văn bản nói trên là văn bản quy phạm pháp luật và vẫn còn hiệu lực. Cũng theo ông Tới thì Quyết định 2681 còn mâu thuẫn với Thông tư 04 (thông tư liên bộ) của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về ban hành thẩm quyền công chứng, chứng thực của UBND cấp xã đối với các loại hợp đồng, giao dịch chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế, hợp đồng thế chấp vay vốn ngân hàng và các loại hợp đồng giao dịch khác... được quy định trong Luật Đất đai năm 2003. Trong khi đó, Nhà nước đang khuyến khích chủ trương xã hội hóa về công chứng, thì xem ra việc giao cho Phòng công chứng số 1 tỉnh thực hiện việc chứng thực tất cả các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn thị xã là chưa phù hợp. Ông Tới cũng cho rằng: “Việc chuyển giao chứng thực các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn thị xã là không công bằng vì tại các huyện, thị xã khác trong tỉnh việc chứng thực hợp đồng giao dịch vẫn do các xã, phường, thị trấn thực hiện”.
Mặt khác, theo ông Tới thì việc xã hội hóa công chứng là tỉnh phải cho phép thành lập văn phòng công chứng tư để họ hoạt động song hành với phòng công chứng Nhà nước, đồng thời duy trì cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực cấp huyện, thị, xã, phường nhằm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ. Như vậy người dân muốn chứng thực tại phòng công chứng tư hay phòng công chứng Nhà nước tại huyện, thị, xã, phường cũng đều được và lúc đó chắc chắn chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Chúng ta đang tập trung cải cách thủ tục hành chính và đang triển khai thực hiện đề án 30 của Chính phủ, với mục tiêu phấn đấu thực hiện cắt giảm 30% thủ tục rườm rà không cần thiết cho người dân, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch với các cơ quan hành chính Nhà nước, nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập. Trên thực tế, cải cách thủ tục hành chính ở tỉnh nói chung và TX. Đồng Xoài nói riêng đã và đang thực hiện khá tốt mà mục tiêu nhắm đến của công tác cải cách thủ tục hành chính là: Nhanh chóng, thuận tiện và tạo sự hài lòng cho người dân. Như vậy, việc tạo thêm những thủ tục rườm rà, không có lợi cho người dân thực sự không cần thiết. Rất mong các cấp, các ngành cần xem xét điều chỉnh hợp lý trên cơ sở giải quyết hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tổ chức và lợi ích của người dân.
Kim Phụng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065