BPO - Hiện nay, việc thực hiện các quy định pháp luật trong công tác quản lý ngành một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều bất cập, một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chuyên ngành ở địa phương và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan. Những khó khăn, vướng mắc trên đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp từ kiến nghị của các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Phước và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành ở Trung ương xem xét, giải quyết:
Trong lĩnh vực tài chính:
Về định mức phân bổ chi quản lý hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể: Bình Phước là tỉnh miền núi có mật độ dân số thấp, do đó để đảm bảo cân đối giữa các nguồn chi, đặc biệt đảm bảo chi cho các hoạt động được hiệu quả, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tiêu chí đảm bảo cơ cấu 70% chi cho lương, có tính chất lương và 30% chi cho hoạt động; đối với định mức chi sự nghiệp giáo dục đề nghị tiếp tục thực hiện tiêu chí đảm bảo cơ cấu 80% chi cho lương, có tính chất lương và 20% chi cho hoạt động; đối với định mức chi sự nghiệp kinh tế đề nghị tăng theo tỷ lệ chi thường xuyên các lĩnh vực chi đã được tính theo định mức phân bổ dự toán chi ngân sách; đối với định mức chi phân bổ ngân sách khác đề nghị tăng thêm theo tỷ lệ 1% tổng số các khoản chi.
Hiện nay nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản ở Bình Phước lớn nhưng thiếu kinh phí (Ảnh: Trường THCS xã Tân Phước đã xuống cấp từ lâu nhưng thiếu kinh phí sửa chữa, xây mới) - Ảnh: Thái Hà
Bình Phước là tỉnh có 3 huyện biên giới với 260,4km đường biên giới, chiếm 22,9% tổng số đường biên giới cả nước tiếp giáp với nhiều tỉnh của Vương quốc Campuchia. Do đó nhu cầu về công tác đối ngoại an ninh - biên giới lớn, trong khi điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu đối với các địa phương có đường biên giới nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng được hỗ trợ 500 triệu đồng/km đường biên giới/năm. Quy định này nhằm đảm bảo kinh phí cho công tác đối ngoại và chế độ cho lực lượng cán bộ làm công tác tuần tra biên giới.
Hiện tại nhu cầu chi đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Bình Phước lớn trong khi nguồn lực hiện có của tỉnh hạn hẹp. Các nhu cầu đầu tư về sửa chữa trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học hiện chưa được bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định đối với các địa phương có mật độ dân số thấp (dưới 1triệu người) bố trí từ 3-5% tổng chi thường xuyên để đảm bảo cho các nhu cầu sữa chữa, củng cố trang thiết bị làm việc tại các cơ quan, đơn vị…
Trong lĩnh vực môi trường:
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn đối với một số vấn đề còn vướng mắc để thực hiện thống nhất, cụ thể như sau:
Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường cho cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 2, Điều 13 của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015.
Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Chính phủ.
Ban hành văn bản quy định thời gian chủ dự án phải chỉnh sửa, bổ sung (hoàn chỉnh hồ sơ) Báo cáo đánh giá tác động môi trường sau thời điểm nhận được kết quả thẩm định, nếu quá thời hạn quy định phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường để tránh tình trạng chủ đầu tư kéo dài thời gian chỉnh sửa quá lâu dẫn đến hiện trạng môi trường, các dự báo và tác động của dự án đến môi trường tại khu vực thực hiện dự án thay đổi so với thời gian thẩm định.
Đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường có phương án hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, hỗ trợ các trang thiết bị máy móc cho Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để phục vụ cho công tác quan trắc tự động, kiểm soát ô nghiễm môi trường thượng nguồn lưu vực sông.
Trong lĩnh vực khoáng sản:
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định hướng dẫn đối với một số vấn đề còn vướng mắc để thực hiện thống nhất, cụ thể như sau:
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị với Chính phủ: Thống nhất chức năng quản lý tài nguyên khoáng sản giữa các cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng ở cả Trung ương và địa phương, đảm bảo sự quản lý tài nguyên khoáng sản tập trung, thống nhất; Quy định về trình độ của Giám đốc điều hành mỏ theo quy mô, từng loại hình mỏ, loại khoáng sản cho phù hợp.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất tại địa phương, triển khai thực hiện việc công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để địa phương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản tỉnh.
Trình Chính phủ giải quyết cơ chế cho những trường hợp khai thác khoáng sản không qua thăm dò như đá tảng lăn, vật liệu san lấp có diện tích và trữ lượng nhỏ để phục vụ thi công các công trình thủy lợi, giao thông để tránh việc khai thác khoáng sản trái phép gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Ban hành văn bản quy định cụ thể đối với việc xác nhận vốn chủ sở hữu trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động khoáng sản cũng như xác định giá trị thực tế đầu tư vào dự án.
Tôn Ngọc Hạnh
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065