Khoản 1, Điều 63 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Theo đó, ở khoản này có quy định về 8 trường hợp thu hồi đất, với nội dung như sau: 1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai gồm: a) Sử dụng đất không đúng mục đích; b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của luật này mà cố ý nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; d) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; đ) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm; e) Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt mà cố ý không chấp hành; g) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám (18) tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng liền; h) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng (12) liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; việc chấp thuận chỉ được thực hiện một lần và không quá thời hạn mười hai (12) tháng. Người bị thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp; không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất.
Một số địa phương do bị hạn chế ở quy hoạch sử dụng đất chi tiết, nên kéo dài từ năm 1998 đến nay chưa điều chỉnh và từ đó dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân đã sử dụng đất trồng cây lâu năm để cất nhà ở - Ảnh: K.S
Mặc dù trong dự thảo đã nêu ra tới 8 trường hợp sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, nhưng theo ý kiến của cá nhân tôi thì sự liệt kê những trường hợp thu hồi đất này vẫn chưa rõ và chưa hợp lý, có thể dẫn đến không thực thi được trên thực tế. Chẳng hạn điểm a, khoản 1, quy định thu hồi đất trong trường hợp “Sử dụng đất không đúng mục đích”. Nếu quy định như vậy là quá chung chung. Một số địa phương do bị hạn chế ở quy hoạch sử dụng đất chi tiết, nên kéo dài từ năm 1998 đến nay chưa điều chỉnh và từ đó dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân đã sử dụng đất trồng cây lâu năm để cất nhà ở. Thậm chí việc này xảy ra đã từ nhiều năm nay và mặc dù trường hợp này là sử dụng đất sai mục đích, nhưng chính quyền vẫn mặc nhiên công nhận và còn còn thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với hệ số giá đất cao là 0,15%.
Song, nếu theo dự thảo trên thì trường hợp sai phạm này có thể bị thu hồi những thửa đất này không? Chưa hết, trong thực tế cho thấy có không ít trường hợp đất trồng cây lâu năm, nhưng người sử dụng đất không có vốn lớn nên thực hiện theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” là trồng cây ngắn ngày, rồi từ từ chuyển đổi cây trồng sau. Như vậy, trường hợp này cũng là trái mục đích và liệu có bị thu hồi đất hay không? Ngược lại, đất trồng cây hàng năm khác hoặc trồng cây lâu năm mà sử dụng vào mục đích trồng lúa thì cũng là trái mục đích. Tuy nhiên, việc đó không đáng bị cấm mà thậm chí còn được khuyến khích để chuyển đổi mục đích. Do đó, tôi đề nghị trong luật cần quy định rõ hơn để việc thực thi điểm này có hiệu quả. Trên thực tế cho thấy, điểm này đã quy định từ Luật Đất đai năm 2003 nhưng việc áp dụng không mấy khả thi. Dẫn đến việc xử lý người vi phạm ở khoản 1, điều 200 cũng không mấy khả thi.
Ở đây còn vấn đề nữa cần được quy định rõ hơn, là trong tất cả các điều của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không có khoản nào quy định nói về trách nhiệm quản lý diện tích đất được thu hồi. Đây là trách nhiệm của cơ quan phát triển quỹ đất ở mỗi địa phương, nhưng nếu không quy định cụ thể thì đất thu hồi cũng lại được để bỏ hoang. Vì vậy, để tránh tình trạng đất bị thu hồi bị bỏ hoang, không rào chắn để quản lý chặt chẽ, dễ trở thành nơi tụ tập của các thành phần bất hảo, tệ nạn xã hội tôi đề nghị trong Điều 63 nay cần bổ sung khoản thứ 3 quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ đất vời diện tích đất bị thu hồi từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nội dung của Điều 105 trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai là những quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo đó, việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sau đây: 6. Chính phủ quy định các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất và mức miễn giảm tiền sử dụng đất quy định tại Điều này (khoản 6).Về vấn đề này, tôi đề nghị cần bổ sung thêm quy định về những trường hợp được phép ghi nợ tiền sử dụng đất. Mục đích của việc này là nhằm mở rộng ưu đãi cho những hộ nghèo, hộ chính sách có cơ hội được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, họ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hành để đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, ở Khoản 6 của điều này tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 6. Chính phủ quy định các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, mức miễn giảm tiền sử dụng đất và các trường hợp được ghi nợ tiền sử dụng đất quy định tại điều này.
Tiến Hoàng (Đồng Xoài)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065